Tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Hiệu quả từ hình thức sân khấu hóa

Thứ năm, ngày 26/05/2016

(BDO) Trên cơ sở kết quả thực hiện Ngày pháp luật Việt Nam ở các đơn vị cơ sở trong quân đoàn, thời gian qua, Cục Chính trị Quân đoàn 4 đã xây dựng kế hoạch tổ chức làm điểm Ngày pháp luật Việt Nam nhằm phục vụ việc rút kinh nghiệm chỉ đạo, thực hiện trong quân đoàn cũng như toàn quân bằng phương pháp sân khấu hóa những hình thức vi phạm pháp luật. Đây là hình thức giúp các đối tượng được tuyên truyền dễ hiểu, dễ tiếp thu để phòng tránh những vi phạm có thể xảy ra.

Vừa qua, tại Sư đoàn 309, Quân đoàn 4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) quân đoàn tiến hành tổ chức buổi PBGDPL, lấy Trung đoàn 3, Sư đoàn 309 làm điểm về PBGDPL để phục vụ cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, rút kinh nghiệm. Mục đích của việc phổ biến còn nhằm tạo chuyển biến căn bản trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL đi vào nề nếp, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, thống nhất, thiết thực; nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật; ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của cán bộ, chiến sĩ; góp phần hạn chế vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường, ngăn ngừa vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch số 12301/KH-BQP ngày 31-12-2015 của Bộ Quốc phòng và Kế hoạch số 41/ KH-HĐGDPL ngày 18-1- 2016 của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của quân đoàn trong năm 2016.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa sẽ giúp các đối tượng được tuyên truyền dễ tiếp thu. Ảnh: TUẤN ANH

Các nội dung phổ biến pháp luật trọng tâm năm 2016 gồm: Nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, Luật Quốc phòng năm 2005. Nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi năm 2015, tập trung vào thẩm quyền của các cơ quan tố tụng trong quân đội); nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2015, tập trung vào chương các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu); Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015…

Các nội dung được phổ biến, quán triệt thường xuyên đến các cơ quan, đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn lựa chọn để tổ chức phổ biến, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền gồm: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014, Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ luật Dân sự (sửa đổi năm 2015), Luật Phí, lệ phí năm 2015, Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Luật Đất đai năm 2013, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Song song đó, các pháp lệnh, nghị định, thông tư, văn bản của Bộ Quốc phòng và liên quan đến Bộ Quốc phòng cũng được phổ biến chi tiết.

Qua hình thức sân khấu hóa, công tác PBGDPL đã được đông đảo cán bộ, chiến sĩ hào hứng học tập và ghi nhớ để trang bị cho mình một nền tảng kiến thức pháp luật vững chắc. Trong mỗi buổi PBGDPL, việc người nghe vừa được theo dõi cán bộ tuyên truyền thông báo, giới thiệu bằng lời, vừa được quan sát, đọc các tài liệu dưới dạng tờ rơi là rất quan trọng. Qua việc sân khấu hóa, hình ảnh, âm thanh, tư liệu với các nội dung tuyên truyền, PBGDPL… sẽ khắc sâu vào nhận thức người học, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Từ đó các cán bộ, chiến sĩ có thể hỏi thêm về những thắc mắc và thể hiện mình nhiều hơn, phát hiện những quan niệm, cách hiểu sai lầm, chưa đúng về những vấn đề chấp hành pháp luật mà các cán bộ, chiến sĩ quan tâm.

LÂM TUẤN ANH