Tuyên truyền pháp luật trong nhân dân: Nhiều cách làm gần gũi, thiết thực

Thứ sáu, ngày 20/11/2020

(BDO) Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 1-10-2019 đến ngày 30-9- 2020), của UBND tỉnh cho thấy thời gian qua các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh. Trong đó công tác tuyên truyền pháp luật được chú trọng với những cách làm bài bản, gần gũi.


Lực lượng công an phát tờ rơi tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống tội phạm

Nội dung tuyên truyền thiết thực

Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực. Cụ thể đã ban hành kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tủ sách pháp luật năm 2020; triển khai kế hoạch tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên” và đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật” năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Song song đó đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26-6”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7”...

Cũng nằm trong hoạt động tuyên truyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã phối hợp tổ chức 98 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT với khoảng 25.790 lượt người tham dự. In ấn hơn 200.000 tờ rơi phòng, chống tội phạm cấp phát cho người dân; gắn 100 bảng pano có khẩu hiệu phòng, chống tội phạm có số điện thoại đường dây nóng của lực lượng công an; phát 4.000 móc khóa số điện thoại công an cơ sở.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các loại tội phạm nổi lên trong thời gian qua như tội phạm liên quan “tín dụng đen”; giả danh cơ quan tư pháp lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giả danh công an nhằm cướp tài sản; đập kính ô tô trộm cắp tài sản; xâm hại tình dục trẻ em; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức chuyển nhượng bất động sản, phân lô bán nền trái phép; giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày... Thông qua hoạt động tuyên truyền nhằm nêu lên phương thức thủ đoạn mới của các loại tội phạm, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong tố giác tội phạm.

Các mô hình phát huy hiệu quả

Cùng với công tác tuyên truyền, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được chú trọng. Trong năm 2020, Công an Bình Dương đã xây dựng và triển khai đề án “Xã hội hóa camera an ninh” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Tiếp tục củng cố, nhân rộng mô hình đã được Bộ Công an báo cáo điển hình toàn quốc là mô hình Đội công nhân xung kích tự quản về ANTT trong doanh nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 630 đội với 15.174 thành viên tại 623 doanh nghiệp. Mô hình câu lạc bộ (CLB) phòng, chống tội phạm được thành lập tại 91/91 xã, phường, thị trấn với 3.188 thành viên.

Ngoài ra, một số mô hình tiếp tục được triển khai và đạt hiệu quả trên địa bàn tỉnh như mô hình CLB chủ nhà trọ tự quản về ANTT; CLB chi hội thanh niên nhà trọ; tổ xe ôm tự quản; mô hình camera bảo đảm ANTT… Theo báo cáo của Công an tỉnh, thời gian qua các mô hình, tổ chức quần chúng bảo đảm ANTT tại cơ sở đã cung cấp cho lực lượng công an 3.236 tin, trong đó có 2.140 tin có giá trị, giúp công an các cấp điều tra, khám phá 1.236 vụ, bắt 1.358 đối tượng.

Các ngành chức năng mà nòng cốt là Công an tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác, tập trung lực lượng thực hiện các giải pháp để chuyển hóa tình hình ANTT ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp; tăng cường quản lý các đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy... Kịp thời phát hiện, truy bắt, xử lý các đối tượng gây án, đối tượng có lệnh truy nã. Công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc tiếp tục được triển khai thực hiện. Tăng cường phối hợp phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm băng nhóm, tội phạm hoạt động lưu động; triệt xóa các tụ điểm, đường dây tội phạm, tệ nạn xã hội.

Lực lượng Công an toàn tỉnh cũng đã mở 4 đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, các cục nghiệp vụ. Chủ động căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tập trung tại các địa bàn trọng điểm, giáp ranh phức tạp; đấu tranh với các loại tội phạm nổi lên như hoạt động “tín dụng đen”, phân lô bán nền trái phép, trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, xâm hại trẻ em,... Tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh nhạy cảm dễ phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội như quán bar trá hình, karaoke, massage, khách sạn, nhà nghỉ...

Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật trên sóng phát thanh, truyền hình, báo in. Kết quả các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đã phối hợp đăng tải, phát sóng 110 tin, 38 phóng sự và 30 chuyên trang ANTT trên báo Bình Dương, 24 chuyên mục câu chuyện cảnh giác về các thủ đoạn của các loại tội phạm; phát 65 tin, 18 phóng sự trên chuyên mục an ninh Bình Dương; 52 tin, phóng sự trên kênh ANTV.

LÊ TRẦN PHƯƠNG