Tuyển sinh vào lớp 1: Quá tải sĩ số

Thứ hai, ngày 11/07/2011

Chuẩn bị cho năm học mới, từ đầu tháng 7, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu tuyển sinh đầu cấp: mẫu giáo, lớp 1, lớp 6. Do Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, nên số học sinh (HS) là con em dân nhập cư mỗi năm một gia tăng, đã tạo áp lực cho ngành trong các mùa tuyển sinh đầu cấp, nhất là ở lớp 1.  

 

Tuyển sinh đi vào nề nếp...

Tuyển sinh đầu cấp là việc làm được thực hiện thường xuyên vào mỗi đầu năm học, nên hoạt động này đã đi vào nề nếp. Các trường tiểu học (TH) phối hợp với Ban chỉ đạo ngày toàn dân đưa trẻ đến trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh, thống nhất địa bàn tuyển sinh cho trường trong xã, phường, cân đối số lượng tuyển sinh trong các trường TH theo kế hoạch phát triển giáo dục TH của địa phương. Thủ tục tuyển sinh được thực hiện công khai minh bạch nhằm hạn chế tình trạng chạy trường, gây áp lực trong tuyển sinh. Trước ngày tuyển sinh, Ban giám hiệu các trường cùng với giáo viên chuyên trách chống mù chữ - phổ cập giáo dục TH rà soát trẻ trong độ tuổi ra lớp, tiến hành điều tra sau đó phát phiếu điều tra, huy động HS ra lớp. Riêng việc huy động trẻ ra lớp năm học 2011-2012 này bao gồm trẻ trong địa bàn, trẻ tạm trú dài hạn, tạm trú tạm thời là con em của người lao động nhập cư theo cha mẹ ruột hoặc anh chị em ruột do mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha mẹ nghèo, già yếu không có khả năng nuôi dưỡng.

  Năm nay, hoạt động tuyển sinh ở trường TH Nguyễn Du (TX.TDM) đã đi vào nề nếp

Ông Dương Văn Bốn, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TX.TDM nói, nhờ thực hiện việc phân tuyến, phân luồng tuyển sinh theo địa bàn cư trú, nên hoạt động tuyển sinh ở các trường TH ở địa bàn thị xã đã đi vào nề nếp. Với những trường còn chỉ tiêu thì hiệu trưởng báo cáo hội đồng tuyển sinh thị xã tiếp tục nhận hồ sơ và 2 bên cùng phối hợp xét duyệt cho từng trường hợp cụ thể.

Tuyển sinh vào lớp 1 năm nay ở huyện Bến Cát cũng chưa xảy ra tình trạng phụ huynh thắc mắc, khiếu nại, nhất là ở địa bàn nóng của huyện là thị trấn Mỹ Phước. Ở địa phương này có 3 trường TH được phân chia địa bàn rõ ràng, trường Trần Quốc Tuấn nhận HS khu phố 1, 2; Mỹ Phước nhận HS khu phố 3, 4 và HS ở khu phố 5 vào học tại trường Võ Thị Sáu.

... Nhưng quá tải sĩ số

Dù hoạt động tuyển sinh ở các địa phương đã dần đi vào nề nếp, nhưng những địa bàn công nghiệp vẫn còn chịu áp lực trong mỗi mùa tuyển sinh. Hàng năm, tỉnh, ngành GD-ĐT quan tâm xây dựng, sửa chữa cơ sở trường lớp, nhưng do dân nhập cư phát triển nhanh khiến cho các trường TH ở một số địa bàn của TX.TDM, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, huyện Bến Cát quá tải về sĩ số. Đây cũng là nỗi bức xúc nhất hiện nay của ngành giáo dục và các địa phương. Năm học 2011-2012, trường TH Bình Chuẩn (TX.Thuận An) có 200 chỉ tiêu/5 lớp, nhưng đến nay đã có gần 290 HS đến đăng ký. Trường đã tính đến phương án sẽ “co” các lớp trên để bố trí phòng cho số HS mới vào lớp 1. Và như thế, không chỉ sĩ số HS ở lớp 1 tăng, mà ở khối lớp khác cũng sẽ tăng theo. Tình trạng quá tải sĩ số HS/lớp ở trường TH Thuận Giao cũng không thua kém. Cô Đỗ Thị Ngọc Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường cũng có 200 chỉ tiêu, nhưng đến nay đã có 255 HS đăng ký, hiện trường đã ngưng nhận hồ sơ, vì nếu nhận tiếp thì số lớp sẽ phình ra, dẫn đến thiếu giáo viên; hiện trường đang chờ chỉ đạo từ Phòng GD-ĐT TX.Thuận An.

Theo quy định, trường chuẩn quốc gia có sĩ số 35 HS/lớp, nhưng hiện nay nhiều trường có số HS vượt qua con số 40. Cụ thể như trường TH Lương Thế Vinh (TX.Thuận An) đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nhưng số HS lớp 1 hiện nay là 45 em/lớp.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, huyện Tân Uyên cũng có 2 địa phương có số HS tăng cao là thị trấn Uyên Hưng và Thái Hòa. Theo ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, để bảo đảm tất cả HS đều được đến trường, chủ trương của huyện là xóa lớp 2 buổi/ngày. Riêng Thái Hòa, do dân nhập cư quá đông, 2 trường TH trên địa bàn không thể kham nổi, nên một số HS diện tạm trú phải sang học ở trường TH Thạnh Hội, trường này vừa được xây mới, nhưng số HS địa phương không nhiều.

Để tháo gỡ khó khăn này, khi trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết hiện nay, số trường có HS tăng đột biến không nhiều, chỉ tập trung ở một vài địa bàn có đông dân cư. Vì vậy, nhằm bảo đảm tất cả HS đều được đến trường, sở đã có văn bản gửi các trường là phải thu nhận toàn bộ HS đăng ký. Sau đó, sở sẽ phối hợp với các trường bàn biện pháp như điều chuyển sang các trường ở địa bàn khác có ít HS hơn; mượn phòng học từ các trường tiểu học cơ sở để có đủ chỗ cho các em theo học... Về lâu dài, sở sẽ tiếp tục trình UBND tỉnh đầu tư thêm trường lớp và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, không ngừng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đáp ứng yêu cầu học tập của HS.

 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hồng Sáng: 

“Trong tình thế hiện nay, quan điểm của sở là chấp nhận phá chuẩn quốc gia ở một số trường để tất cả học sinh được đến lớp, để ổn định về mặt xã hội”.

H.Thái - H.Nhân