Tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2012: Thêm cơ hội chọn ngành học cho thí sinh
Năm 2012, nhiều trường đại học (ĐH) dự kiến mở thêm nhiều ngành học, chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Những ngành dự kiến mở dự kiến sẽ rất “nóng” là ngành dược, bác sĩ đa khoa, vật lý hạt nhân, luật, quản trị khách sạn, nhà hàng... Ngoài việc có nhiều ngành học mới, thí sinh (TS) còn thêm cơ hội do Bộ GD-ĐT dự kiến chỉ quy định mức điểm sàn chứ không quy định số đợt và mốc thời gian xét tuyển.
Thêm nhiều chuyên ngành mới
Công tác tuyển sinh đã được khởi động với tin mừng là sẽ có thêm nhiều ngành, chuyên ngành mới được các trường ĐH tuyển sinh, mở thêm cơ hội để TS lựa chọn.
Thí sinh đang nghe tư vấn tuyển sinh năm 2011
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết năm 2012 sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới là bác sĩ đa khoa và dược học. Trong lúc đó, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng cho biết sẽ có thêm chuyên ngành mới là Địa chính và Quản lý đô thị (thuộc ngành quản lý đất đai). Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến mở 2 ngành mới là công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (khối A) và công nghệ kỹ thuật môi trường (khối A, B). Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mở thêm chuyên ngành truyền thông và văn hóa thuộc ngành văn hóa học (khối C và D1).
Trường ĐH Tài chính - Marketing có một số chuyên ngành sẽ được tách ra thành ngành mới. Cụ thể, trường sẽ tuyển 3 ngành mới gồm kinh doanh quốc tế, bất động sản và quản trị khách sạn. Mỗi ngành sẽ tuyển khoảng 200 chỉ tiêu và thi khối A, D1.
Một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng sẽ có thêm ngành mới. Cụ thể: Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn tuyển 50 chỉ tiêu ngành ngữ văn Ý (khối D1); Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển ngành kỹ thuật hạt nhân (khối A); Trường ĐH Kinh tế - Luật tuyển ngành kinh doanh quốc tế (khối A và D1).
Ngoài việc có thêm nhiều ngành học mới để chọn thì khả năng TS còn có thêm cơ hội trong xét tuyển do Bộ GD-ĐT đang dự kiến sẽ chỉ quy định mức điểm sàn chứ không quy định về số đợt xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển mỗi đợt. Các trường được chủ động tổ chức tuyển trên nguyên tắc: Không vượt chỉ tiêu đã xác định và điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Nếu chủ trương này được thực thi, các trường có thể sẽ được tuyển nhiều đợt cho đến khi đủ chỉ tiêu; TS sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng bản sao của giấy này để đăng ký vào nhiều trường khác nhau. TS chỉ phải sử dụng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cho trường nào mình trúng tuyển và quyết định nhập học.
Khối ngành kinh tế vẫn nhiều sức hút
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, dự kiến chỉ tiêu tuyển mới đào tạo hệ chính quy ĐH-CĐ năm 2012 phân theo nhóm ngành. Chỉ tiêu cụ thể bao gồm: kinh tế - tài chính - ngân hàng: 184.300; nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800; sư phạm: 54.600; khoa học tự nhiên - xã hội nhân văn: 51.800; nông - lâm - ngư: 43.200. Như vậy, nhóm ngành kinh tế vẫn đứng đầu trong tổng chỉ tiêu dự kiến.
Trong những năm qua, các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính là những ngành có nhiều cơ sở đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất. Trong đó, quản trị kinh doanh có 340 cơ sở đào tạo (chiếm 8,3%), kế toán 297 cơ sở đào tạo (chiếm 8%), tài chính - ngân hàng 200 cơ sở đào tạo (chiếm 8%). 3 ngành học được TS đăng ký nhiều nhất lần lượt là quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán.
Năm nay, nhiều trường tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành thuộc khối kinh tế, tạo thêm cơ hội cho TS dự thi vào các ngành được xem là thời thượng này. Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tiếp tục tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán kiểm toán, kinh tế đối ngoại với số lượng 240 sinh viên/ngành; các ngành kinh tế học, kinh tế và quản lý công, hệ thống thông tin quản lý cũng tuyển đến 100 sinh viên/ngành.
Trường ĐH Tài chính Marketing cũng tuyển 2.400 chỉ tiêu hệ ĐH tập trung vào các ngành thế mạnh là tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing. Dẫn đầu chỉ tiêu ngành theo dự kiến tại trường ĐH Sài Gòn là ngành tài chính - ngân hàng với 410 chỉ tiêu, kế đến là quản trị kinh doanh, kế toán với 380 chỉ tiêu/ngành, trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến tuyển 4.000 chỉ tiêu cho các ngành; trường ĐH Thương mại tuyển các ngành tài chính - ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing với 300 - 350 chỉ tiêu/ngành, trường ĐH Ngoại thương cũng tuyển 2.400 chỉ tiêu, chủ yếu vào các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế...
Kê khai đội ngũ giáo viên khi mở ngành hệ TCCN
Bộ GD-ĐT vừa có công văn khẩn gửi các sở GD-ĐT về việc hướng dẫn, xử lý, kiểm tra mở ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo tất cả các cơ sở đào tạo trình độ TCCN đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định đăng ký mở ngành đào tạo mới.
Ngoài ra, công văn yêu cầu các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra theo quy định của pháp luật tại các cơ sở đào tạo TCCN đóng trên địa bàn về việc thực hiện đào tạo đối với các ngành đã được mở trước khi quy định mới (Thông tư số 52/2011/TT-BGDĐT) có hiệu lực thi hành. Xử lý nghiêm hoặc đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các cơ sở đào tạo vi phạm các quy định tại thông tư. Tập trung kiểm tra các quyết định hoặc công văn chấp thuận đăng ký mở ngành của Bộ GD-ĐT (đối với các ngành đào tạo đã thực hiện tuyển sinh sau năm 2005); ngành đào tạo hiện tại không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định; đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo; có hành vi gian lận trong kê khai các điều kiện bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đối với ngành đào tạo và các trường hợp vi phạm pháp luật khác trong việc thực hiện đào tạo đối với từng ngành.
NGỌC THANH (tổng hợp)