Tuyển sinh ĐH-CĐ đợt 1 năm 2012: 73,40% thí sinh làm thủ tục dự thi
* Khuyến cáo tình hình kẹt xe
Sáng 3-7, thí sinh trên cả nước tập trung đến các điểm thi làm thủ tục thi (nhận phòng thi, chỉnh sửa giấy báo dự thi và nghe phổ biến quy chế tuyển sinh…) chuẩn bị bước vào đợt thi ĐH-CĐ đầu tiên diễn ra vào ngày 4 và 5-7. Hôm nay 4-7, thí sinh sẽ bước vào ngày thi đầu tiên của khối A, A1 và khối V. Buổi sáng, thí sinh thi môn Toán và buổi chiều thi môn Vật lý.
Nhiều sự cố về giấy báo dự thi
Trong ngày làm thủ tục dự thi, nhiều sự cố hy hữu về giấy báo dự thi đã xuất hiện. Cụ thể, từ tờ mờ sáng, thí sinh Võ Thị Kim Thuận, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) đã đến hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM nêu thắc mắc: “Vì sao em nộp hồ sơ đăng ký dự thi khối A vào ngành công nghiệp thực phẩm (D540101) nhưng vẫn không có giấy báo dự thi”. Sau khi nghe thí sinh này trình bày, cán bộ tuyển sinh của trường kiểm tra dữ liệu gốc nhưng không có. Sau đó, nhà trường đã liên hệ với Sở GD-ĐT Bình Thuận để giải quyết.
Chiều 3-7, Bộ GD-ĐT báo cáo nhanh về ngày làm thủ tục dự thi đợt 1. Số trường ĐH tổ chức thi đợt 1 gồm 125 trường với số điểm thi là 1.023 điểm. Cả nước có 29.916 phòng thi. Trong ngày hôm qua, cả nước có 637.980 thí sinh đến làm thủ tục dự thi trên tổng số 869.233 thí sinh đăng ký dự thi, đạt 73,40%. Trong đợt thi này, số cán bộ tham gia tổ chức thi là 76.230; số sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ tổ chức thi là 21.241 người.
Theo công văn của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, thí sinh Thuận đăng ký 3 hồ sơ và trong đó có 1 hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM nhưng cán bộ phụ trách tuyển sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã không nhập dữ liệu hồ sơ này. Trước tình thế này, Sở GD-ĐT đã có công văn đề nghị Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho em Thuận được bổ sung hồ sơ đăng ký dự thi. Cùng ngày, thí sinh này đã đến Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM và được đơn vị này có công văn khẩn đề nghị hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cấp giấy báo dự thi để em Thuận được dự thi vào ngày mai.
Hy hữu hơn là trường hợp của thí sinh Nguyễn Huỳnh Như (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đã đến báo cáo với Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM về việc em đăng ký thi khối A vào Trường ĐH An ninh nhân dân TPHCM nhưng bị mất hết giấy tờ. Trước thực tế này, Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT đã liên hệ với Trường ĐH An ninh nhân dân TPHCM xác minh sự việc nhằm giải quyết cho thí sinh này được dự thi.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, sau khi làm thủ tục dự thi, Phòng Tuyển sinh đã tiếp hàng trăm thí sinh đến yêu cầu chỉnh sửa sai sót trên giấy báo dự thi. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết: “Ngày 2-7, trường cũng tiếp nhận một thí sinh tại Long An đăng ký dự thi vào trường nhưng trường THPT ở Long An lại không bàn giao hồ sơ của thí sinh cho Sở GD-ĐT tỉnh Long An nên sở không chuyển dữ liệu về cho nhà trường. Sau khi kiểm tra, trường đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Long An có công văn xác nhận để trường giải quyết và cấp giấy báo dự thi ngay cho thí sinh”. Ngoài sự cố trên, trường cũng cấp lại 2 giấy báo dự thi mới cho hai thí sinh bị các Sở GD-ĐT chuyển hồ sơ nhầm qua Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xuất hiện tình trạng thí sinh vây kín phòng đào tạo để yêu cầu chỉnh sửa giấy báo dự thi.
Lúng túng vì thiết bị ghi âm, ghi hình
Từ ngày 29-6 đến ngày 1-7 Bộ GD-ĐT liên tiếp ra 3 văn bản thông báo về điều chỉnh quy chế mà cụ thể là xoay quanh việc quy định thí sinh được mang các thiết bị ghi âm, ghi hình (gọi tắt là các thiết bị điện tử).
Theo đại diện nhiều hội đồng tuyển sinh, đa phần các trường tập huấn trước ngày thi đến cả tuần nhưng việc Bộ GD-ĐT ra các văn bản như thế khiến chủ tịch hội đồng tuyển sinh cũng lúng túng chứ đừng nói đến cán bộ, giám thị coi thi. Đại diện một trường ĐH tại TP.HCM cho biết, trường tập huấn cho cán bộ tham gia coi thi ngày 29 và 30-6. Như vậy 50% cán bộ tập huấn ngày 29 sẽ không nắm rõ thông tư điều chỉnh quy chế của Bộ GD-ĐT (thông tư ra vào buổi chiều). Hơn nữa, các văn bản của Bộ GD-ĐT cũng không giải thích rõ thí sinh được mang loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh nào.
Chính vì vậy, trong buổi phổ biến quy chế thi sáng ngày 3-7, một số trường cũng in vội công văn đăng trên website của Bộ GD-ĐT để tranh thủ thông báo cho cán bộ, giám thị coi thi được rõ để phổ biến cho thí sinh. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều phòng thi, điểm thi của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Mở, ĐH Hoa Sen dường như không in thông báo quy định về các loại thiết bị điện tử mà thí sinh được phép mang vào phòng thi. Cũng có một số trường với chủ trương siết chặt kỷ luật phòng thi, các cán bộ coi thi đã thông báo với thí sinh là không được mang bất cứ các thiết bị ghi âm, ghi hình, máy ảnh, điện thoại di động khi bước vào phòng thi.
TP.HCM: Tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi cao
Trong đợt thi đầu tiên, Cụm thi TP.HCM có trên 217.000 thí sinh đăng ký dự thi. Ghi nhận tại các hội đồng thi, việc làm thủ tục diễn ra khá nhanh chóng. Các giám thị bên cạnh việc phổ biến quy chế thi, nhắc nhở thí sinh những điểm cần lưu ý, các giám thị đặc biệt lưu ý với thí sinh về những vật dụng được mang vào phòng thi, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình vừa được Bộ GD-ĐT cho phép mang vào phòng.
Theo thống kê từ các trường ĐH, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng 3-7 khá cao. TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi của trường là 23.439 thí sinh, đạt tỷ lệ 83%. Trường ĐH Luật TP.HCM có 5.078 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 78,2%. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường năm đầu tiên tổ chức thi ĐH cũng có số thí sinh đến làm thủ tục dự thi cao, lần lượt là 75,2% và 77%. Tại các trường ĐH khác, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi cũng khá cao như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: 78%, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: 65%, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) 70%, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi trên 80%.
Dù thí sinh đến làm thủ tục dự thi cao nhưng tại TP.HCM ít xảy ra tình trạng kẹt xe. Tại khu vực Thủ Đức tuy rất đông thí sinh đổ về nhưng tình hình giao thông trong buổi sáng ngày 3-7 khá tốt, ngoại trừ thời điểm từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ và từ 9 giờ đến 10 giờ trên các tuyến đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, ngã tư Thủ Đức…. (quận Thủ Đức) có xảy ra ùn tắc cục bộ tại khu vực trước các điểm thi do lưu lượng người tham gia giao thông trong thời điểm đó tăng đột biến. Vào lúc 9 giờ 20 phút trên xa lộ Hà Nội đã xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài từ Nhà máy CocaCola về ngã tư Thủ Đức. Nguyên nhân là do có một chiếc xe tải trên đường vào nội thành đã bị chết máy giữa đường đúng vào thời điểm các thí sinh ra về nên gây ùn tắc kéo dài.
Tuy nhiên với sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi và lực lượng CSGT, tình hình ùn tắc giao thông nhanh chóng được giải quyết. Tại khu vực trước cổng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) ở Thủ Đức, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo khá tốt. Sự phân luồng và phân bố vị trí cho phụ huynh người nhà thí sinh cũng tương đối khoa học nên đã xóa được cảnh lộn xộn, ùn tắc trước điểm thi tại khu vực này.
Năm nay, điểm nóng về kẹt xe tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (quận Gò Vấp) cơ bản được giải quyết. Dù có đến gần 12.000 thí sinh dự thi tại đây nhưng trong buổi sáng tình hình giao thông chỉ ùn tắc chứ không kẹt xe hàng giờ như mọi năm. Đáng nói là ngay từ sáng sớm, lực lượng CSGT, Công an quận Gò Vấp, Công an phường 4 và lực lượng dân phòng đã tập trung dẹp hàng quán, điều tiết, phân luồng giao thông.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT, trong những ngày thi, thí sinh nên đi sớm để tránh tình trạng kẹt xe vì các ngày thi diễn ra vào những ngày giữa tuần nên dễ xảy ra tình trạng kẹt xe.
Ghi nhận ở nhiều trường ĐH tốp trên tại phía Bắc cho thấy, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi thấp, chỉ trên 50%. Đơn cử, ĐH Kinh tế quốc dân khu vực Hà Nội chỉ có gần 8.000 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt gần 50%; Học viện Tài chính có 5.993 thí sinh, đạt 48,55%; Học viện Ngân hàng đạt 49,54%; ĐH Ngoại thương có 3.994 thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt 58,9%; ĐH Thương mại đạt gần 60%; ĐH Xây dựng Hà Nội đạt gần 64%, tương đương với năm trước; ĐH Giao thông Vận tải có 65% thí sinh đến làm thủ tục dự thi; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông có số lượng thí sinh khu vực phía Bắc đến làm thủ tục dự thi là 6.123, đạt 64,5%.
Trong khi đó, ở các ĐH vùng, thí sinh đến làm thủ tục dự thi cao hơn, từ 70% - 80%. Cụ thể, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) trong đợt 1 có 75,5% thí sinh đến làm thủ tục dự thi; ở cụm thi Cần Thơ là 84,2%; cụm thi Quy Nhơn đạt 84,7%; ĐH Đà Nẵng đạt 83,53%; ĐH Tiền Giang đợt 1 đạt 80,19% thí sinh đến làm thủ tục dự thi…
Theo SGGP