Tuyển sinh đại học 2025: Xét tuyển sớm không giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh
(BDO) Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dù với phương thức tuyển sinh đại học nào thì với những học sinh có năng lực thực sự, cơ hội để các em trúng tuyển sớm vẫn rất cao.
Giờ học của thầy và trò trường trung học phổ thông Nam Đàn 1, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Dự thảo Thông tư quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do trường quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Dự thảo này đang nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh trên địa bàn Nghệ An.
Thí sinh băn khoăn với xét tuyển sớm
Phan Hữu Lâm, học sinh lớp 12A2, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Đại học Vinh có nguyện vọng xét tuyển vào ngành Kinh tế quốc tế của Đại học Kinh tế Quốc dân.
"Trước đây em khá tự tin đậu nguyện vọng 1 bằng các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên khi đọc dự thảo quy chế tuyển sinh mới của Bộ Giáo dục và đào tạo, em rất bất ngờ và lo lắng," Lâm cho biết.
Dù cơ hội "lọt" vào 20% xét tuyển sớm sẽ ít hơn nhưng Lâm cho biết vẫn ưu tiên thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển, sau đó là điểm thi tốt nghiệp.
Vì vậy, Lâm ôn tập đều các môn và học thêm Toán, tiếng Anh, Vật lý và Ngữ văn. Thời gian dành cho các môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng lên, em tạm gác lại các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ trong trường để tập trung học.
Tương tự, em Nguyễn Nhật Vy, học sinh lớp 12D, Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Thuật cũng dành thời gian để tập trung cho Kỳ thi đánh giá năng lực và chuẩn bị khá nhiều phương án để xét tuyển vào đại học.
Nhật Vy từng khá tự tin sẽ sớm có một suất tuyển thẳng vào Trường Đại học Ngoại thương, vì 3 năm trung học phổ thông em đều là học sinh giỏi, đã có chứng chỉ IELTS 7.0 và các năm trước, trường đều dành 70% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm.
Khi nhận được thông tin Bộ sẽ “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm chỉ còn 20%, Nhật Vy chia sẻ em thực sự lo lắng. Hiện nay, học sinh không chỉ có kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn rất nhiều kỳ thi khác nếu muốn có nhiều cơ hội vào đại học. Vì thế, nếu tập trung vào kỳ thi quá nhiều, Vy cho rằng việc học của mình sẽ bị ảnh hưởng.
“Theo em, Bộ không nên áp đặt chỉ tiêu cho các trường đại học mà cần mở rộng các phương thức xét tuyển khác nhau, miễn là đảm bảo chất lượng thí sinh. Bên cạnh đó, Bộ xem xét lại dự thảo chỉ dành 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm. Điều này sẽ khiến những học sinh trường bình thường khó khăn hơn bởi thông thường các trường đại học khi xét theo diện tài năng sẽ ưu tiên nhiều hơn cho những học sinh ở các trường chuyên,” Nhật Vy bày tỏ.
Vẫn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển
Phương án xét tuyển sớm đã bắt đầu được thực hiện tại nhiều trường đại học trong khoảng 6-7 năm trở lại đây.
Cụ thể, thay vì chỉ xét tuyển theo phương thức truyền thống là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng áp dụng với học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Các trường có thêm nhiều phương thức xét tuyển khác như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, ACT/SAT.
Gần đây, việc rất nhiều trường đại học tổ chức các kỳ thi riêng như kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy càng khiến nhiều thí sinh quyết định chọn các phương thức này thay cho phương thức điểm thi tốt nghiệp hay xét tuyển bằng điểm học bạ (thường là điểm lớp 10, 11 và điểm học kỳ 1 của lớp 12).
Tại Trường Trung học Phổ thông Nam Đàn 1, thầy giáo Đinh Anh Tuấn - chủ nhiệm lớp 12A1 cho biế dù là lớp chọn, năng lực của học sinh đứng top đầu của trường nhưng rất ít học sinh chọn phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Thay vào đó, 100% học sinh của lớp chọn thi đánh giá tư duy, năng lực hoặc xét theo chứng chỉ ngoại ngữ. Điều này cũng là lẽ bình thường vì những năm qua chỉ tiêu của các trường cho điểm thi tốt nghiệp ngày càng “co” và điểm trúng tuyển thường rất cao.
Học sinh chọn các phương án khác sẽ giúp các em tăng cơ hội trúng tuyển.
Những năm trước, cơ hội cho các em được xét tuyển sớm nhiều hơn, nhưng với dự thảo mới, cơ hội của các em bị thu hẹp lại, sự cạnh tranh cũng sẽ “khốc liệt” hơn và dự báo điểm tốt nghiệp sẽ cao hơn các năm.
Là trường vùng nông thôn, điều kiện khó khăn nên học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Sỹ Sách, huyện Thanh Chương ít có cơ hội để thi các chứng chỉ IELTS, SAT, mặc dù nhiều em có năng lực học tập và thi tốt.
Ngay từ năm lớp 10, 11 nhà trường, giáo viên đã tư vấn, đưa ra chiến lược để các em tiếp cận và tham gia thi các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học.
Thầy Nguyễn Sỹ Quý - Trường Trung học phổ thông Nguyễn Sỹ Sách cho biếtây là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vì vậy trường đang bám sát ma trận đề thi, đề thi minh họa của Bộ để phân tích đề.
Trường cũng tổ chức sinh hoạt chuyên môn giữa các trường, kết hợp giáo viên có kinh nghiệm để tạo ra nguồn đề. Vì là chương trình mới nên nguồn học liệu hạn chế, giáo viên chủ yếu phải sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập để giảng dạy cho các em.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị khá sớm nhưng Dự thảo tuyển sinh ban hành khi năm học chỉ còn 1 học kỳ nữa, khiến cả thầy và trò không khỏi lo lắng.
Điều trăn trở của học sinh cũng như giáo viên ở Nghệ An là có cơ sở bởi thực tế những năm gần đây điểm chuẩn vào các trường đại học top đầu đang có sự biến động bất ngờ. Thậm chí có những khoa, ngành của một số trường điểm thi trên 29 vẫn chưa trúng tuyển.
Trong khi đó, nếu xét theo các phương thức khác, học sinh có thể chủ động để xét tuyển được nhiều trường đại học và có cơ hội trúng tuyển sớm.
Về phía các trường đại học, việc Bộ lấy ý kiến dự thảo chỉ dành 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm cũng để lại những băn khoăn, nhất là những trường top dưới.
Nhiều quan điểm cho rằng, khi các trường đại học đã được giao tự chủ thì phải cho nhà trường chủ động trong quá trình xét tuyển.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Danh Chính – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh cho rằng sự thay đổi này không làm mất đi cơ hội của các thí sinh khi xét tuyển vào đại học vì cho dù xét tuyển với phương thức nào, xét tuyển thời điểm nào, thí sinh vẫn có nhiều cơ hội vào đại học.
Thí sinh có thể sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hay học bạ, chứng chỉ IeLTS/SAT kết hợp… để đăng ký ở đợt xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, thay vì lo lắng, học sinh nên bình tĩnh lựa chọn phương thức xét tuyển thế mạnh để ôn luyện và có kết quả tốt nhất.
Để tạo điều kiện giúp thí sinh có cơ hội lựa chọn vào một trường đại học hoặc ngành học mà bản thân yêu thích, thay vì đối mặt với sự căng thẳng và không chắc chắn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều học sinh và giáo viên đang tích cực lựa chọn phương pháp ôn tập phù hợp với năng lực, sở trường.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dù với phương thức tuyển sinh nào thì với những học sinh có năng lực thực sự, cơ hội để các em trúng tuyển sớm vẫn rất cao./.
Theo TTXVN