Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 - Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại
(BDO)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Cách đây 70 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Từ bản Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, bản Tuyên ngôn 2-9 đã nêu ra một chân lý lịch sử: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do,” “đó là lẽ phải không ai chối cãi được.”
Tuyên ngôn Độc lập là bản “Thiên cổ hùng văn,” kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới - quyền độc lập tự do.
Tuyên ngôn Ðộc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
Bản Tuyên ngôn chính thức chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện “Không có gì quý hơn độc lập tự do.”
Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại. Bản Tuyên ngôn Độc lập là thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Marx-Lenin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bản Tuyên ngôn còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán, uyển chuyển, thuyết phục.
Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Người. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi.
Với giọng đọc trang trọng, ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm đã qua, bản Tuyên ngôn Độc lập đã đi vào lòng người như sự thức tỉnh, khẳng định niềm tin và sức mạnh của dân tộc Việt Nam vào tương lai tươi đẹp. Đó là áng văn bất hủ góp phần làm nên cốt cách và tâm hồn của dân tộc ta./.
Theo TTXVN