Tuyến đường huyết mạch ĐT744: Tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ

Thứ bảy, ngày 31/08/2013

 Vướng mắc

Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Phương Linh, cho biết: “Tuyến đường ĐT744 bắt đầu triển khai xây dựng trên địa bàn huyện từ năm 2009 do Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Giai đoạn đầu công tác giải tỏa rất khó khăn, từ khi chuyển giao chủ đầu tư cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thì việc phối hợp thực hiện giải tỏa đền bù diễn ra rất thuận lợi”.

Đường ĐT744 đoạn từ Km 6 + 070 đến Km 32 + 000 đi qua địa bàn 2 huyện Bến Cát và Dầu Tiếng, liên quan đến 3.550 hồ sơ đền bù giải tỏa với tổng số tiền 116,24 tỷ đồng. Đã thực hiện chi trả 3.291 hồ sơ với số tiền 108,333 tỷ đồng. Còn tồn 259 hồ sơ với số tiền 7,4 tỷ đồng.

Giải thích vì sao có sự nhanh, chậm không đồng đều trong công tác đền bù giải tỏa, ông Linh nói: “Việc chậm trễ có nhiều nguyên nhân, nhưng theo đánh giá của địa phương thì đây là còn đường huyết mạch của huyện, được hầu hết bà con nhân dân trông chờ để vừa giải quyết giao thông vừa chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Khi nhận chuyển giao, địa phương đã bắt tay vào việc rất quyết liệt bằng cách phân loại cụ thể từng nhóm vấn đề vướng mắc để tiến hành đối thoại với nhân dân nhằm tìm cách tháo gỡ. Việc gì thuộc thẩm quyền của huyện thì huyện tập trung giải quyết; việc gì vượt thẩm quyền thì tập hợp để trình cấp trên. Hàng tuần các bộ phận chuyên môn phải báo cáo tiến độ. Cá biệt, có trường hợp lãnh đạo huyện trực tiếp xuống hiện trường giải quyết, vì bản thân người dân cũng gặp khó khăn”.

Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Chí Đức, thông báo: “Toàn tuyến có 3.550 hồ sơ đền bù giải tỏa. Đến nay còn tồn tại 259 hồ sơ, trong đó Bến Cát 136 hồ sơ; Dầu Tiếng 123 hồ sơ, chủ yếu là do còn lấn cấn giữa đất hành lang đường bộ với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đã phát hiện và thu hồi lại cho ngân sách trên 500 triệu đồng chi sai”.

Tìm hiểu nguyên nhân

Nguyên nhân của những tồn tại trên được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tổng hợp là do người dân còn khiếu nại bồi thường khoản chênh lệch trong hành lang bảo vệ đường bộ giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thực tế; việc hoàn trả kết cấu hạ tầng sau thi công phải phù hợp với cấp độ công trình như mương thoát nước phải được bê tông và có đan xi măng đậy kín cho hợp vệ sinh và mỹ quan thay vì mương đất như trước đây. Trung tâm phát triển quỹ đất đã hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ cho các hộ có yêu cầu chính đáng, hợp lý. Ngoài ra cũng có một số hộ vắng chủ, địa phương đã thông báo nhiều lần nhưng vẫn không liên hệ được chủ hộ, dẫn đến không thể giải phóng được mặt bằng.

Đại diện huyện Dầu Tiếng nêu ý kiến: “Do công trình có chiều dài đi qua nhiều địa phương, liên quan đến nhiều dự án khác nhau nên giá đền bù cũng khác nhau, từ đó phát sinh tâm lý so bì. Trong công tác tuyên truyền vận động cần có sự thống nhất, giải thích để người dân thấu hiểu và thực hiện”. Trong khi đó, đại diện huyện Bến Cát nêu vấn đề: “Cử tri và nhân dân huyện Bến Cát kiến nghị khi đầu tư xây dựng hạ tầng nên đầu tư một lần theo hướng hoàn chỉnh để tránh giải tỏa, sửa chữa nhiều lần. Cụ thể tuyến đường ĐT744 nên đầu tư hệ thống thoát nước 2 bên đường ở những nơi đông dân cư, chợ, đoạn đường có độ dốc cao”… Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Phương Linh nêu quyết tâm: “Trước yêu cầu của cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, địa phương quyết tâm hoàn thành, thảm nhựa tuyến đường thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng trong năm 2013”.

Phải đẩy nhanh tiến độ

Trước các tồn tại, thắc mắc, kiến nghị của các sở, ngành, địa phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bùi Văn Hai cho biết: “Nếu đọc kỹ lại các văn bản, quyết định thì không có gì phải băn khoăn, thắc mắc. Bởi vì mỗi dự án, công trình đều được điều chỉnh, quản lý bằng các văn bản pháp lý cụ thể. Nắm vững hệ thống văn bản, phân loại cụ thể các trường hợp tồn tại sẽ có cơ sở giải quyết dứt điểm”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam: Ai chi sai người đó chịu trách nhiệm bồi thường

Bài học về bàn giao hồ sơ, sổ sách, chứng từ… ai cũng phải “thuộc lòng” đó là đúng, đủ và chặt chẽ để không phải đổ lỗi, giải thích lòng vòng nhằm tránh trường hợp người nhận bàn giao thì làm đúng còn hồ sơ bàn giao thì thiếu, đến khi kiểm tra thì đơn vị bàn giao đã giải thể hoặc sáp nhập với đơn vị khác là rất khó. Từ nay trở đi, đơn vị nào chi sai, đề xuất chi không đúng thì xuất tiền túi ra đền bù trước khi chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam nói thêm: “Hệ thống văn bản điều chỉnh đã rõ ràng, đầy đủ với câu từ, ý nghĩa rất chặt chẽ. Tỉnh cũng đã nhiều lần phân tích, giải thích vì sao có văn bản đó và ý nghĩa, phạm vi điều chỉnh của từng văn bản. Nếu chúng ta đọc, nghiên cứu kỹ và áp dụng đúng thì không có gì phải băn khoăn, lấn cấn. Do trên tuyến đường có rất nhiều công trình, dự án cùng triển khai thi công; mỗi công trình dự án có giá trị đầu tư, bồi thường giải tỏa và thời gian thi công khác nhau, nên không thể so sánh dự án này với dự án kia. Mỗi dự án đều có sự tham gia góp ý của người dân, địa phương…”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam chỉ đạo: “Các trường hợp vắng chủ thì khẩn trương thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hết thời gian quy định mà không có người đến nhận hoặc làm thủ tục thì Hội đồng đền bù giải tỏa tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật. Để tránh khiếu nại, đổ lỗi cho nhau thì công tác bàn giao, quản lý hồ sơ phải thật chặt chẽ, cụ thể để làm cơ sở pháp lý xử lý, cưỡng chế (nếu có). Điều quan trọng là phải tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền giải thích và phải chú ý trong phát ngôn, không để người dân nhầm lẫn, so đo giữa nơi này với nơi khác, giữa dự án này với dự án khác. Phải đẩy mạnh tiến độ thi công vì đây là tuyến đường huyết mạch liên quan đến nhiều địa phương, nhiều dự án và căn cứ lịch sử cách mạng. Không được kéo dài thời gian thêm nữa”!

DUY CHÍ