Tuyển dụng online “giăng bẫy” người tìm việc
(BDO) Sau tết, nhiều người mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao nên thường vào các trang mạng xã hội để tìm kiếm công việc phù hợp. Lợi dụng điều này, các đối tượng đăng tải nhu cầu tuyển việc làm với mức lương cao nhằm “bẫy” người tìm việc.
Tuyển dụng “núp bóng” lừa đảo
Gần đây, trên các hội nhóm tìm việc làm tại nhà máy, khu công nghiệp tỉnh liên tục đăng tải nhiều thông tin tuyển dụng, như: Tuyển nhân viên chốt đơn hàng, cộng tác viên nhập liệu, nhân viên làm thời vụ … Những công việc này có mức lương rất hấp dẫn, thường dao động từ 250.000 - 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện hầu hết những mẩu tin tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” như trên là những chiêu trò nhằm “giăng bẫy” lừa đảo người tìm việc.
Người dân nên đến những đơn vị tuyển dụng có uy tín để tìm kiếm công việc phù hợp, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người tìm việc
Trong vai một người cần tìm việc làm thêm, chúng tôi liên hệ với tài khoản Facebook tên Hằng Lê, người đăng thông tin tuyển “cộng tác viên chốt đơn hàng cho shop” trong một nhóm công khai trên Facebook với hơn 75.000 người theo dõi để ứng tuyển. Trao đổi riêng qua Facebook, Hằng Lê cho biết chúng tôi chỉ cần có tài khoản ngân hàng, internet banking, ví điện tử Momo hay Viettel Pay là đã có thể nhận việc làm thêm tại nhà. Công việc chính của chúng tôi là tạo tài khoản trên một trang thương mại điện tử, nạp tiền vào tài khoản ngân hàng theo yêu cầu để mua hàng. Mỗi ngày có thể kiếm được từ 250.000 - 300.000 đồng cùng 12% hoa hồng. Người này cũng nói thêm rằng để nhận công việc này, chúng tôi chỉ cần kích hoạt tài khoản với số vốn 50.000 đồng, sau đó sẽ được tặng 66.000 đồng tiền hoa hồng; tương tự, khi số tiền bỏ ra ban đầu càng cao thì số hoa hồng được hưởng càng lớn.
Thực tế đây là những hình thức lừa đảo khá phổ biến trên mạng xã hội thời gian gần đây. Ban đầu kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng hoàn trả lại khoản tiền cộng thêm “hoa hồng” để tạo niềm tin nhưng không lâu sau đó sẽ là các yêu cầu với số tiền lớn hơn, chẳng hạn như chuyển hàng triệu hoặc chục triệu đồng. Sau đó, đối tượng sẽ lấy lý do “nhân viên” chậm thực hiện nhiệm vụ, không đạt yêu cầu, để giữ số tiền này và tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn hơn để rút tiền gốc. Với chiêu trò này, nạn nhân sẽ nhanh chóng bị mất hết số tiền trong tài khoản. Khi phát hiện mình bị lừa thì sẽ bị đối tượng chặn toàn bộ liên lạc và biến mất. Kênh liên lạc thường là nền tảng nhắn tin Telegram, có thể tự động xóa lịch sử và khó truy vết tài khoản.
Ngoài thủ đoạn trên, một số đối tượng còn tìm kiếm “con mồi” là những lao động phổ thông cần tìm việc làm ổn định trong doanh nghiệp, có thu nhập cao. Để “bẫy” người tìm việc, đối tượng thường đăng tải những thông tin tuyển dụng lao động phổ thông với mức lương cao ngất ngưởng cùng những đãi ngộ rất hấp dẫn như bao cơm, hỗ trợ tiền trọ, tiền đi lại… Đa số những mẩu tin tuyển dụng này không có vị trí việc làm cụ thể, địa chỉ, tên công ty không rõ ràng. Người có nhu cầu thì phải trao đổi riêng qua Zalo, Facebook với người đăng tuyển. Sau đó, “nhà tuyển dụng” sẽ hẹn người ứng tuyển đến những văn phòng “môi giới” việc làm để phỏng vấn; rồi tìm cách “móc túi” người tìm việc bằng những khoản phí đào tạo, mua đồng phục, làm thẻ ra vào… Tuy nhiên, khi đi làm một thời gian ngắn thì người lao động vỡ lẽ những lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao” với nhiều đãi ngộ hấp dẫn không có thật nên phải nghỉ việc để chạy thoát thân.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, sau Tết Nguyên đán các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển khoảng từ 10.000 - 15.000 lao động để bổ sung lực lượng lao động thiếu hụt và phục vụ nhu cầu sản xuất. Đây là cơ hội tốt cho những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp quay lại tham gia thị trường lao động sau tết. Trong tình hình thất nghiệp ngắn hạn hiện nay vừa là thách thức cũng là cơ hội để người lao động hoàn thiện bản thân, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng tốt những yêu cầu công việc trong tương lai. |
Người tìm việc cần cảnh giác
Ông Dương Tấn Minh, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết qua nắm tình hình trên các trang mạng xã hội, trung tâm nhận thấy hầu hết những thông tin tuyển dụng có mức lương cao “bất thường” nhưng không rõ ràng về địa chỉ công ty, việc làm cụ thể và không cần có kinh nghiệm, hồ sơ ứng tuyển đơn giản… Tuy nhiên, khi cán bộ của trung tâm vào vai người tìm việc làm để liên hệ ứng tuyển những công việc thời vụ có mức lương cao như trên thì bị dẫn dắt vào những nhóm “kín” và yêu cầu thực hiện các “nhiệm vụ” có dấu hiệu lừa đảo. Bên cạnh đó, vẫn có một số ít thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội là “việc thật” nhưng người dân cũng cần hết sức cảnh giác, tìm hiểu thông tin trước khi liên hệ xin việc.
Theo ông Minh, từ tháng 1-2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giúp khoảng 200 doanh nghiệp đăng tuyển 6.000 lao động, chủ yếu là có tay nghề trong lĩnh vực may, giày da, thêu, gỗ… với mức lương phổ biến từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Trong tình hình kinh tế hiện nay, việc làm thời vụ trong nhà máy rất ít, do đó những thông tin tuyển dụng việc làm thêm theo ca, theo giờ trên các trang mạng xã hội với mức lương cao từ 250.000 - 450.000 đồng là không có thật. Do đó, người tìm việc phổ thông cần tỉnh táo trước những tuyển dụng kiểu này. “Thời gian tới, trung tâm tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội để người có nhu cầu nhanh chóng tiếp cận việc làm được thuận lợi. Đẩy mạnh hoạt động kết nối doanh nghiệp với người lao động, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu tuyển dụng, tạo nguồn thông tin tin cậy, phục vụ cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm”, ông Minh cho biết thêm.
Hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo tạo vỏ bọc giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động cũng đang tìm kiếm “con mồi” là những cô gái trẻ ở quê, hiểu biết còn hạn chế. Nói về thủ đoạn của loại tội phạm này, Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết sau khi dụ dỗ được các cô gái, đối tượng sẽ bán vào cơ sở massage, karaoke và yêu cầu viết giấy nợ tiền làm thủ tục giấy tờ, chi phí việc làm… Trong khi đối tượng mua sẽ trả chi phí này nhưng các cô gái không biết bản thân đã bị “sập bẫy”, phải làm việc tại cơ sở massage, karaoke để trừ lại số tiền trên, thậm chí bị đe dọa, cưỡng bức các hoạt động tình dục khác… Thực tế thời gian qua, lực lượng công an đã điều tra, làm rõ nhiều vụ mua bán người có thủ đoạn như trên. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác đối với các trang mạng xã hội, các trang không chính thống về giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động… “Người dân, nhất là chị em trẻ tuổi cần chủ động tìm hiểu pháp luật về môi giới việc làm, tuyệt đối không nhẹ dạ cả tin và đồng ý viết giấy nợ cho bất kỳ ai khi được giới thiệu việc làm. Đồng thời, người dân nên chủ động tố giác đến cơ quan công an khi phát hiện đối tượng có hành vi giam giữ, đe dọa, ép buộc, cưỡng bức lao động”, Thiếu tá Sơn cho biết thêm.
Xác minh danh tính nhà tuyển dụng trước khi đi làm Theo ông Dương Tấn Minh, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, người tìm việc cần tuyệt đối cảnh giác với các thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội hay qua tin nhắn riêng để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo. Khi tìm việc làm trên các nền tảng trực tuyến, người dân nên truy cập vào những trang thông tin chính thống của đơn vị cung ứng dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành hoặc vào trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Trước khi ứng tuyển vào một công việc, người dân cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về nhà tuyển dụng thông qua địa chỉ trụ sở công ty, số điện thoại liên hệ. Người dân có thể tra mã số thuế của doanh nghiệp đang tuyển dụng trên công cụ tìm kiếm trên mạng internet để biết các thông tin chi tiết về ngành nghề hoạt động, người đại diện pháp luật, địa chỉ hoạt động… Cần hết sức cảnh giác và từ chối với những tin nhắn riêng hoặc hẹn phỏng vấn những địa chỉ khác với trụ sở công ty đăng tuyển dụng. Đặc biệt, hầu hết các nhà tuyển dụng không thu phí hoặc yêu cầu ứng viên phải “đặt cọc” tiền để giữ chỗ làm dưới bất kỳ hình thức nào. |
NGUYỄN HẬU