Tương lai nào cho Colombia?
(BDO) Như vậy là đa số người dân Colombia đã không chấp nhận thành phần du kích cánh tả làm lãnh đạo đất nước và họ đã bỏ phiếu bầu cho người được cho là đại diện của chính trị bảo thủ hữu khuynh, dân túy.
Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Colombia đã được tiến hành vào Chủ nhật 17-6 trong bầu không khí đối đầu giữa hai thái cực chính trị tả và hữu khuynh. Kết quả cuộc bỏ phiếu đã được thông báo vào chiếu tối cùng ngày, theo đó ứng cử viên dẫn đầu vòng 1 Ivan Duque đã giành chiến thắng như dự đoán, với tỉ lệ 53,9% số phiếu bầu.
Người đối đầu với ông tại vòng 2 là cựu Thị trưởng Bogota Gustavo Petro được 41,8%. Với kết quả bầu cử này, Colombia tiếp tục là xã hội bảo thủ, đa số người dân không muốn có sự thay đổi nào về kiến trúc thượng tầng theo hướng thiên tả như các quốc gia trong khu vực.
Ngay sau khi có kết quả sơ bộ cuộc bầu cử, lãnh đạo FARC Rodrigo Londono đã viết trên dòng Twitter: "Chúng ta vừa trải qua một kỳ bầu cử yên ắng nhất trong nhiều thập niên qua, nó cho thấy hòa bình đã đơm hoa kết trái. Đây là thời khắc của lòng cao thượng và hòa giải, chúng tôi tôn trọng sự quyết định của đa số và xin chúc mừng ngài tân tổng thống".
Như báo chí từng đưa tin, cuộc bầu cử Tổng thống Colombia trên thực tế là cuộc đối đầu giữa hai thái cực chính trị tả và hữu khuynh. Các đảng phái theo hai thái cực chính trị này đã vận động cho những chủ trương, đường lối đối chọi nhau trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.
Trong cuộc vận động trước ngày bầu cử vòng 1 và cả vòng 2, hai ứng cử viên đưa ra quan điểm đối chọi nhau gay gắt nhất xung quanh đường lối chính trị xã hội đất nước. Ông Petro chủ trương theo đường lối xã hội chủ nghĩa giống như cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và không ngại tuyên bố sẽ đưa đất nước Colombia đi theo hướng này một khi ông đắc cử lên làm tổng thống.
Ivan Duque tuyên bố chiến thắng, kêu gọi hòa giải dân tộc.
Xuất thân là một cựu du kích quân cánh tả (thuộc nhóm du kích M-19 nay đã tan rã), Petro hoàn toàn ủng hộ việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn và hiệp định hòa bình giữa Chính phủ Colombia với lực lượng du kích cánh tả FARC. Sau sự kiện ký kết thỏa thuận hòa bình, FARC đã từ bỏ bạo lực chiến tranh để hướng theo con đường đấu tranh chính trị sau khi được hứa hẹn sẽ giành cho một số ghế đại biểu trong nghị viện và thành viên trong chính phủ hòa hợp dân tộc.
Lãnh đạo FARC Timochenko thậm chí còn tuyên bố hồi tháng 10-2017 rằng ông sẽ ra tranh cử Tổng thống năm 2018. Tuy nhiên, Timochenko đã ra tranh cử sau khi có sự xuất hiện của Petro, vì không muốn chia phiếu làm giảm tỉ lệ ủng hộ cho ông Petro.
Trong khi đó, ông Duque với sự hậu thuẫn từ phía sau của cựu Tổng thống Alvaro Uribe đã phát động một chiến dịch truyền thông đả kích đường lối xã hội chủ nghĩa của ông Petro. Chiến dịch truyền thông chủ yếu được thực hiện dưới sự đạo diễn của Uribe, người theo quan điểm diều hâu, phản đối quyết liệt việc ký thỏa thuận hòa bình với FARC và chủ trương "dùng vũ lực quân sự để tìm kiếm hòa bình".
Từ đó, chiến dịch vận động của Duque đã tô đậm, khoét sâu vào những khó khăn về kinh tế và đời sống đang diễn ra tại Venezuela, lấy đó làm mối nguy hại để tạo tâm lý lo sợ trong dân chúng. Đồng thời, Duque lợi dụng đó để đánh vào hình ảnh của ông Petro để làm cho cử tri xa lánh Petro. Đây là đòn khá hiểm được dàn dựng bởi "cáo già" đầy mưu mô Uribe. Quan điểm chống thỏa thuận hòa bình của Uribe đã ảnh hưởng mạnh lên chủ trương tranh cử của Duque.
Ivan Duque sinh vào tháng 8-1976, sẽ tròn 42 tuổi trước ngày nhậm chức tổng thống một tuần. Ivan sinh ra trong một gia đình chính trị, có mẹ là nhà khoa học chính trị Juliana Márquez Tono và cha là Ivan Duque Escobar, một qua chức kiểm toán làm việc cho Liên Hiệp Quốc, sau đó làm Thị trưởng thành phố Antioquia, rồi Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản dưới thời Tổng thống Andres Pastrana.
Lớn lên, Duque được cha mẹ cho ăn học tử tế, tốt nghiệp cử nhân luật và cử nhân ngành triết học & nhân văn, sau đó lấy bằng thạc sĩ chính sách công tại Đại học Georgetown ở Washington DC.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Duque tiếp tục ở lại Mỹ làm việc tại Ngân hàng Phát triển liên Mỹ ở Washington DC. Uribe là người đầu tiên nhìn thấy ở ông "tố chất" làm tổng thống và đã cố thuyết phục ông về nước phục vụ cho đảng Trung tâm Dân chủ (DCP). Vì thế, năm 2014 Duque trở về Colombia tham gia ứng cử và đắc cử vào Thượng viện.
Nhờ sự chống lưng của Uribe, cộng với việc từng làm việc trong ngành ngân hàng tại Mỹ, Duque đã nhanh chóng tạo được sự ủng hộ mạnh từ giới doanh nghiệp Colombia. Chính vì thế mà một bộ phận không nhỏ người Colombia xem Duque như "con rối" trong tay ông Uribe để ông giật dây chính trị theo ý đồ riêng mình.
Sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Colombia vào ngày 7-8 tới, ông Duque sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm với những thách thức không hề nhỏ. Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã cho thấy một đất nước Colombia đang chia rẽ sâu sắc giữa hai thái cực chính trị và sự đối nghịch gay gắt về tư tưởng cũng như chủ trương đối với tiến trình hòa bình giữa những người ủng hộ các ứng cử viên đối nghịch nhau. Hàn gắn chia rẽ, tạo cầu nối hòa giải dân tộc là nhiệm vụ trước mắt quan trọng nhất.
Ngay hôm sau cuộc bầu cử, Duque đã đưa ra lời kêu gọi người dân cả nước Colombia đoàn kết giúp đất nước vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, lời kêu gọi này được bao nhiêu người hưởng ứng còn tùy thuộc vào cách ông thể hiện quan điểm và đường lối hòa hợp dân tộc sau khi lên nhậm chức. Nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Duque là thực hiện lời hứa với cử tri sẽ giải quyết vấn đề thỏa thuận hòa bình với FARC.
Duque đã hứa trong lúc vận động tranh cử là sẽ điều chỉnh những phần nhạy cảm gây phản ứng nhiều nhất của thỏa thuận và lời hứa này đã khiến cử tri reo hò ủng hộ ông. Nhưng điều chỉnh như thế nào để duy trì được sự đoàn kết dân tộc, tránh nguy cơ tái diễn nội chiến sẽ là phần việc khó khăn nhất.
Theo CAND