Tuổi trẻ dám nghĩ - dám làm
(BDO) Tại vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Dương do Tỉnh đoàn và Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, dự án T-Store của nhóm sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một đã hoàn toàn thuyết phục được Ban Giám khảo cuộc thi và xuất sắc giành giải nhất bởi tính khả thi, ứng dụng cao của dự án cùng một chiến lược kinh doanh được hoạch định rõ ràng, chi tiết.
Các thành viên trong nhóm thực hiện những sản phẩm handmade tạo nên dấu ấn của cửa hàng T-Store
Độc, lạ với T-Store
Niềm vui sướng, phấn khích sau khi giành giải nhất cuộc thi vẫn còn lâng lâng trong lòng nhóm bạn trẻ Đỗ Thị Diễm Kiều, Phạm Thị Hồng Thương, Nguyễn Đình Hùng, Trần Thị Trúc Ngân. Cũng đúng thôi, bởi với sự đầu tư nghiêm túc, cùng với sự nỗ lực, chăm chút cho đứa con tinh thần của mình thì kết quả này hoàn toàn xứng đáng. Bạn Đỗ Thị Diễm Kiều, trưởng nhóm chia sẻ: “Mất cũng phải 3 tháng để nhóm em đầu tư cho cuộc thi này, bởi đây không chỉ là những ý tưởng, sáng kiến trong tưởng tượng mà là kết quả bước đầu nhóm em đã xây dựng và đưa vào hoạt động cửa hàng T-Store và đến với cuộc thi, tụi em mong muốn chia sẻ với mọi người những tâm huyết, những nỗ lực của tụi em trong những tháng qua với đứa con tinh thần này và mong muốn mở rộng dự án kinh doanh này”.
T-Store là hình thức kinh doanh các sản phẩm phụ kiện thời trang, trang sức được tái chế độc lạ. Các mặt hàng kinh doanh gồm túi, ví là các sản phẩm được làm sẵn bằng tay được thiết kế dựa trên phong cách độc đáo và không bị trùng lặp mẫu mã với các sản phẩm đã có trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm còn được làm theo ý của khách hàng nên có thể linh động về mẫu mã kiểu dáng. Về phụ kiện thời trang, phụ kiện thời trang của shop được thiết kế theo xu hướng hiện đại với nhiều phong cách, cá tính riêng mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Chúng được làm từ nhiều loại chất liệu tái chế từ quần áo cũ kết hợp cùng các chất liệu khác như da lộn, hạt gỗ, dây kẽm, đất sét, mặt giả cổ, ruy băng các loại... tùy theo chủ ý của khách hàng hoặc nhân viên thiết kế. Và cuối cùng là bộ Kit các loại (2D, 3D), là 1 bộ gồm những mảnh, miếng rời rạc chưa được ghép vào với nhau thành đồ vật hoàn chỉnh, chúng được shop cắt tạo hình sẵn (đã qua sơ chế) và đem đóng gói bán. Phần việc còn lại để thành ra một sản phẩm hoàn chỉnh sẽ do khách hàng làm. Đây cũng là điểm nhấn của T-Store bởi ngoài việc bán những sản phẩm handmade, shop còn giúp khách hàng thỏa niềm đam mê tự mình thiết kế hoặc tự tay làm sản phẩm handmade bằng những vật dụng đã được sơ chế.
Đón đầu xu hướng
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án này, Diễm Kiều cho biết hiện nay xu hướng giới trẻ thường xuyên thay đổi trang phục liên tục, điều đó tạo nên lượng rác thải từ thời trang khá cao. Nhưng nếu những bộ quần áo cũ đã lỗi mốt nếu mang về thiết kế lại kiểu dáng, hoặc chế thành món đồ khác thì bảo đảm sẽ không đụng hàng. Bên cạnh đó, không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua những món đồ mới khi nó vừa trở thành mốt, một số người đành lùng tìm các món đồ độc, lạ, giá cả hợp lý thậm chí là rẻ hơn so với những món đồ mới rất nhiều. Ngoài ra, vì có giá bán khá thấp nên phụ kiện thời trang tái chế hút khách là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, trong thời đại hiện nay, nhu cầu về tính thẩm mỹ, tính tiện dụng, tính độc đáo của hàng hóa cũng ngày càng tăng cao. Nắm được xu hướng đó cùng với việc đam mê sáng tạo nghệ thuật của bản thân, nhóm em hy vọng sẽ kinh doanh được những mặt hàng và dịch vụ có thể đem lại cho mọi người cái nhìn mới về sáng tạo nghệ thuật, cái nhìn mới về những đồ vật làm từ những chất liệu vô cùng đơn giản, với giá thành không quá cao, thậm chí là có thể bắt nguồn những đồ vật, quần áo cũ mà vẫn bảo đảm được chất lượng cũng như hình thức thỏa mãn mọi nhu cầu của mọi người.
“Đối tượng khách hàng chính của T-Store chính là giới trẻ. Đó là những người luôn có nhu cầu về mặt thẩm mỹ cao về trang phục phụ kiện, làm đẹp để tạo ra phong cách riêng của mình, hoặc có hứng thú với những công việc đỏi hỏi tính tỉ mẩn kiên trì như khâu vá, thêu thùa... đối với nữ, hay đối với nam thì thích được tạo ra, hoặc nắm giữ những sản phẩm mang tính thủ công, kỹ thuật cao mà đẹp mắt để tặng bạn gái…”, Kiều nói.
T-Store là hình thức kinh doanh các sản phẩm phụ kiện thời trang, trang sức được tái chế độc lạ. Các mặt hàng kinh doanh gồm túi, ví là các sản phẩm được làm sẵn bằng tay được thiết kế dựa trên phong cách độc đáo và không bị trùng lặp mẫu mã với các sản phẩm đã có trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm còn được làm theo ý của khách hàng nên có thể linh động về mẫu mã kiểu dáng. |
Để bắt đầu kinh doanh, nhóm đã lên kế hoạch hẳn hoi và có chiến lược rõ ràng trong tương lai. Theo đó, nhóm đã chọn kết hợp 2 hình thức kinh doanh online và kinh doanh tại cửa hàng. Bằng hình thức kinh doanh như thế này có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong kinh doanh mà lại có lượng khách hàng lớn mạnh. Đặc biệt, 4 thành viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng, như: Kiều phụ trách thiết kế, tạo sản phẩm; Ngân phụ trách khâu chăm sóc khách hàng; Hùng phụ trách chiến lược kinh doanh, marketing; Thương phụ trách về tài chính.
Hiện nay với fanpage T-Store trên Facebook thường xuyên cập nhật những mẫu sản phẩm mới lạ, độc đáo nhóm đã nhận được sự yêu thích và ủng hộ của một số bạn trẻ. Tuy nhiên, lượng khách hàng cũng còn hạn chế. Diễm Kiều bộc bạch: “Với niềm đam mê cho ra những sản phẩm độc đáo khác biệt với đa số những cửa hàng kinh doanh cùng ngành đang tồn tại, đồng thời những mặt hàng của T-Store luôn thay đổi theo kịp và đi đầu trong xu hướng thời đại. Tụi em hy vọng T-Store có thể phát triển thành chuỗi các cửa hàng chuyên cung cấp những đồ vật thủ công và có một thương hiệu mạnh sau này và được nhiều người biết đến hơn nữa”.
Với bản lĩnh của tuổi trẻ “dám nghĩ - dám làm”, mong rằng những ước mơ, hy vọng của nhóm sẽ sớm trở thành hiện thực, đưa cửa hàng của nhóm ngày càng phát triển, có chỗ đứng trên thị trường thời trang phong phú, đa dạng hiện nay.
NGỌC NHƯ