Tuổi trẻ Công an tỉnh: Trao đổi, chia sẻ xây dựng gia đình hạnh phúc

Thứ hai, ngày 03/07/2017

Đúng với tên gọi, cuộc thi “Xây dựng gia đình hạnh phúc” do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp Hội Phụ nữ Công an tỉnh vừa tổ chức đã trở thành diễn đàn để đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong lực lượng công an tại địa phương cùng nhìn lại vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong gia đình. Qua đó, tuổi trẻ lực lượng công an tỉnh cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để hướng đến xây dựng một gia đình hạnh phúc.

(BDO)

 Tiểu phẩm “Tôi đã sai rồi” của đội thi đến từ Công an huyện Bàu Bàng để lại nhiều ấn tượng với công chúng tại hội thi Ảnh: N.NHƯ

 Thượng úy Võ Thành Nghĩa, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, cho biết gia đình là nền tảng của xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình Việt Nam nói chung và gia đình cán bộ chiến sĩ công an nhân dân nói riêng. Xác định rõ tầm quan trọng của việc “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức hội thi này nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc trong mỗi cán bộ chiến sĩ và ĐVTN trong toàn lực lượng. Đồng thời, qua hội thi, mỗi cán bộ, ĐVTN cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, góp phần xây dựng, duy trì hạnh phúc trong các gia đình.

Tham gia hội thi có 15 đội gồm 4 cụm thi đua và tuổi trẻ lực lượng công an 9 huyện, thị, thành phố. 4 cụm thi đua gồm cụm Xây dựng lực lượng, cụm An ninh nhân dân, cụm Khối cơ quan cảnh sát điều tra, cụm Khối quản lý hành chính về trật tự xã hội. Các đội tham gia cuộc thi qua hình thức thi tiểu phẩm và trả lời câu hỏi ứng xử. Điều thú vị là ở mỗi tiểu phẩm dự thi đều có những câu chuyện mang tính giáo dục từ đời sống ngày thường. Đó là trường hợp chồng bạo hành vợ, con vì dính vào các thói hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc trong tiểu phẩm “Tôi đã sai rồi” của Công an huyện Bàu Bàng. Hay như tiểu phẩm “Đừng để con một mình” của Công an TP.Thủ Dầu Một phản ánh những câu chuyện đau lòng mà gần đây truyền thông quan tâm đặc biệt, đó là câu chuyện ngày nay những ông bố, bà mẹ trước áp lực của công việc, cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên thường ít dành thời gian chăm sóc, quan tâm cũng như bảo vệ cho con em mình, dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại.

Bên cạnh đó, tại hội thi còn có những câu chuyện về hủ tục “trọng nam khinh nữ”, người chồng không quan tâm, chia sẻ công việc gia đình với vợ; câu chuyện cha mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện tình cảm của con cái… Ở mỗi tiểu phẩm là một câu chuyện mà khi xem ai nấy đều chợt giật mình suy nghĩ. Vì thế, đây cũng là những bài học quý báu cho ĐVTN học tập, rút kinh nghiệm cho bản thân và gia đình. Anh Bùi Đức Anh (Công an huyện Bàu Bàng) chia sẻ: “Qua cuộc thi, tôi nhận ra bấy lâu nay do bận công việc nên chưa quan tâm nhiều đến gia đình, làm tròn nghĩa vụ người chồng, người cha. Vì thế, tôi nghĩ rằng, mình phải dành thời gian quan tâm đến gia đình nhiều hơn ”.

Qua phần thi tiểu phẩm, Ban Tổ chức chọn 4 đội có số điểm cao nhất để tham gia dự thi phần thi ứng xử. Câu hỏi ứng xử xoay quanh nội dung về kiến thức và kinh nghiệm xây dựng cuộc sống gia đình. Kết quả, giải nhất thuộc về cụm Xây dựng lực lượng 1, giải nhì thuộc về Công an TP.Thủ Dầu Một, giải ba thuộc về cụm An ninh nhân dân 2 và Công an TX.Bến Cát; cụm An ninh nhân dân 1, Công an huyện Bàu Bàng, cụm Quản lý hành chính đạt giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải phong trào cho các đơn vị còn lại và các giải diễn viên xuất sắc nhất...

Thượng tá Hồ Thị Thanh Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội thi nói: “Đây thực sự là một hoạt động bổ ích không chỉ có ý nghĩa như một hội thi mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại tình cảm yêu thương và trách nhiệm của bản thân đối với gia đình của mình. Đồng thời, qua hội thi cũng giúp các cụm thi đua và đội dự thi thuộc công an 9 huyện, thị, thành phố giao lưu, học hỏi và chia sẻ hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Đặc biệt, qua hội thi cũng giúp ĐVTN là những cán bộ, chiến sĩ công an cùng nhìn lại vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình, để có thể điều chỉnh cách sống, thói quen chưa tốt, vun đắp hạnh phúc gia đình. Riêng các nữ chiến sĩ trẻ cũng có dịp nâng cao kiến thức, hoàn thiện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

 NGỌC NHƯ