Tuổi già đơn lẻ
Gia đình là tổ ấm. Thế nhưng với bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, ở ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh (Tân Uyên) suốt mấy mươi năm qua bà sống cô đơn, lẻ bóng. Giờ đây đã bước qua tuổi 80, bà vẫn sống lầm lũi trong căn nhà không có người thân thích.
Bà giải thích, bà con xung quanh đa số đều có cao su, lũ chó con, mèo con ăn vào rồi chết, nên họ đem đến nhờ bà nuôi hộ, đến khi chúng đủ “khôn” thì tiếp tục đưa về nuôi. Đổi lại, họ cho bà, khi thì chén cơm, ổ bánh mì ăn qua bữa. Hiện bà đang sống trong căn nhà tình thương do địa phương xây tặng. Quả thật căn nhà không có gì đáng giá, trong nhà là mấy chiếc giường cũ kỹ với mớ quần áo cũ chất đống đến ngộp thở do xóm giềng cho bà mặc. Căn bếp không có gì ngoài mớ chai lọ bà lượm để dành bán ve chai. Mọi sinh hoạt của bà Anh gần như là ở ngoài sân. Một góc sân là bếp củi với vài cái nồi sứt quai. Gia vị nấu nướng rất nghèo nàn, chỉ có chai nước mắm, hũ muối, vài hũ mắm ruốc đã cạn. Lương thực thì không thấy đâu cả. Khi được hỏi ngày nay ăn gì, bà trả lời: có gì đâu mà ăn. Trưa rồi tính! Không có tiền thì bà đi mua thiếu, mua chịu. Rồi bà kể đang còn nợ tiền thức ăn, tiền gạo, tiền mặt khoảng gần 500.000 đồng, không biết lấy đâu mà trả. Thỉnh thoảng ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ấp Phú Bưng đến hỏi thăm cuộc sống của bà Ngọc Anh
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh cho biết, bà Ngọc Anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Bà đã được địa phương xây, sửa nhà tình thương nhiều lần, hàng tháng được lãnh trợ cấp 340.000 đồng, được Hội Chữ thập đỏ xã cấp 10kg gạo mỗi tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế người nghèo. Số tiền này dù không thấm tới đâu nhưng cũng có để bà phần nào xoay xở trong cuộc sống hàng ngày.
Ngay từ khi sinh ra, bà Ngọc Anh đã là người bất hạnh. Mẹ bà đã mất khi bà vừa chào đời tại bệnh viện. Kể từ đó, bà sống cô đơn một mình cho đến tận bây giờ. Ký ức tuổi thơ của bà là những chuỗi ngày buồn. Ngày ngày, bà sống lầm lũi, quạnh quẽ trong căn nhà đơn sơ ấy. Tivi không có, radio cũng không, bà như người sống biệt lập trong cái ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống. Có lẽ vì nghèo, thất học, nên bà đã quen với lối sống ấy rồi chăng?
Không gia đình, không tài sản, cả đời bà chỉ biết làm mướn, làm thuê. Khi còn trẻ, ngày ngày bà đi giẫy cỏ mướn kiếm sống. Vì thương bà nên bà con hay cho thêm tiền mỗi khi có việc nhờ đến bà. 3 năm trở lại đây, do tuổi già, sức yếu, bà không còn đi làm được nữa, chỉ biết sống nhờ vào tình thương của bà con lối xóm. Chị Xuân, một hàng xóm của bà Ngọc Anh kể: “Hoàn cảnh bà thật tội nghiệp. Vì thiếu ăn, thiếu mặc nên trông bà gầy đét vậy đó. Dù nghèo không có ăn nhưng bà thương chó, mèo lắm. Hễ ai cho ổ bánh mì là bà ăn một nửa, chó, mèo ăn một nửa. Thấy vậy nên nhiều người đem chó con, mèo con đến nhờ bà chăm sóc giùm”.
Đến nay, bà Ngọc Anh đã bước qua tuổi 80. Theo thời gian, tuổi ngày càng cao mà sống một mình, chẳng may đêm hôm trái gió trở trời thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy mà khi chúng tôi gợi ý vô sống ở trại dưỡng lão, bà gạt phăng: Tôi ở tự do quen rồi, vô đó có người quản lý tôi thấy khó chịu lắm. Rồi bà cứ gặng hỏi chúng tôi ghi chép cuộc đời bà để làm gì? Chúng tôi bảo rằng, để các nhà hảo tâm đọc được bài báo viết về bà mà hỗ trợ. Trước mắt, lãnh đạo Báo Bình Dương sẽ đến thăm và tặng bà 2 triệu đồng, giúp bà trang trải cuộc sống. Khi nghe nói đến tiền triệu, bà mừng như vớ được vàng. Bởi cả cuộc đời bà luôn sống thiếu trước, hụt sau, làm gì có tiền triệu trong tay, bà vui mừng cũng là hợp lẽ.
H.Thái