Sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”:

Từng bước xây dựng môi trường giao thông thủy an toàn, văn minh

Thứ tư, ngày 24/10/2018

(BDO) Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), Phó trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ) xây dựng phong trào Văn hóa giao thông với bình yên sông nước (VHGTVBYSN), CVĐ cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh nhằm tạo môi trường văn hóa trong hành động, ứng xử của mỗi người tham gia giao thông đường thủy (GTĐT), làm chuyển biến về nhận thức và hành động của người dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia GTĐT, nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân trong việc thay đổi hành vi và cách ứng xử khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra trên đường thủy...

Triển khai đồng bộ

Thực hiện Chương trình hành động số 62/CTr-UBATGTQG ngày 17-2-2016 của Ủy ban ATGT Quốc gia về thực hiện CVĐ xây dựng phong trào VHGTVBYSN, giai đoạn 2016- 2020; ngày 14-3-2016, Ban ATGT tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 49/CTr-BATGT về thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016-2020.

Tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo CVĐ của tỉnh với 7 thành viên thuộc các cơ quan, đơn vị như Sở GTVT; Văn phòng Ban ATGT tỉnh; Thanh tra Sở GTVT; Phòng Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông thủy - Công an tỉnh; Cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ) tỉnh Bình Dương...

Mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cứu sinh khi đi đò giúp hạn chế thiệt hại do tai nạn giao thông đường thủy gây ra

Trong 3 năm qua, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh đã tham mưu trình Ban ATGT tỉnh ban hành 8 kế hoạch về việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự (TT), ATGT ĐTNĐ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; tổ chức lễ phát động CVĐ giai đoạn 2016-2020; kế hoạch phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện bảo đảm TTATGT ĐTNĐ tại các bến khách ngang sông (bến đò)... và 4 văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT ĐTNĐ; tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT ĐTNĐ tại các bến khách ngang sông; tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT ĐTNĐ năm 2018...

Trên cơ sở các kế hoạch triển khai chung của Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT của 6 địa phương trọng điểm vùng sông nước, có các hệ thống lớn như sông Bé, Đồng Nai, Sài Gòn chảy qua và có tuyến ĐTNĐ, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông (gồm TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, 2 huyện Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng) đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện CVĐ.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động người dân chấp hành pháp luật ATGT ĐTNĐ nói chung và tham gia hưởng ứng CVĐ nói riêng có vai trò quan trọng đối với chất lượng, hiệu quả thực hiện CVĐ... nên trong toàn bộ các văn bản phát động, chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, cũng như các kế hoạch, chương trình của các địa phương đều chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân tham gia hưởng ứng và tích cực thực hiện CVĐ.

Trong đó, nội dung tuyên truyền được tập trung vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT ĐTNĐ như Luật Giao thông ĐTNĐ; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ; tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy (GTĐT); các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em…

Tạo sự lan tỏa

Theo số liệu của Công an tỉnh, từ năm 2016 đến tháng 9- 2018, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông (TNGT) thủy, làm chết 5 người, bị thương 2 người, hư hỏng 3 phương tiện thủy. Trong đó năm 2016 không xảy ra TNGT thủy; năm 2017 xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết, hư hỏng 1 phương tiện (trong đó tai nạn mức độ rất nghiêm trọng: xảy ra 1 vụ trên sông Sài Gòn, đoạn qua địa bàn TX.Thuận An, làm 2 người chết, hư hỏng 1 phương tiện; tai nạn va chạm: xảy ra 1 vụ trên sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên); 9 tháng của năm 2018 xảy ra 1 vụ TNGT thủy đặc biệt nghiêm trọng trên sông Đồng Nai (đoạn qua TX.Tân Uyên) làm chết 3 người, bị thương 2 người, hư hỏng 2 phương tiện thủy...

Để CVĐ xây dựng phong trào VHGTVBYSN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt được chất lượng và hiệu quả cao hơn, đồng thời góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị các cơ quan thành viên; các cơ quan phối hợp trong công tác bảo đảm TTATGT; chính quyền địa phương các cấp có tuyến ĐTNĐ, vùng sông nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động của CVĐ, tiếp tục đưa nội dung CVĐ vào kế hoạch bảo đảm TTATGT hàng năm, kiện toàn Ban chỉ đạo CVĐ các cấp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến CVĐ đến tận các cấp cơ sở.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật ATGT ĐTNĐ, thực hiện hiệu quả và nhân rộng các mô hình điểm của các chương trình như “Người đi đò mặc áo phao”, “Phòng chống đuối nước ở trẻ em”; tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng trên báo chí, đài phát thanh - truyền hình, internet. Tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về VHGT thủy; mở các lớp tập huấn xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường thủy, nghiệp vụ về bảo đảm TTATGT, phòng chống đuối nước ở trẻ em; tuyên truyền sâu, rộng đến các đối tượng tham gia GTĐT, các trường học, người dân sinh sống trên và ven sông ...

Sở GTVT, Công an tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị, thành phố có tuyến ĐTNĐ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT ĐTNĐ, tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện bảo đảm ATGT ĐTNĐ tại các bến khách ngang sông (bến đò), nhất là thời điểm trước và trong mùa mưa bão. Thường xuyên nhắc nhở chủ phương tiện các bến khách ngang sông thực hiện công tác duy tu, sửa chữa phương tiện để bảo đảm an toàn; bố trí đủ dụng cụ nổi cứu sinh trên phương tiện (áo phao, phao tròn cứu sinh...) cho hành khách, bảo đảm 100% hành khách mặc áo phao khi tham gia GTĐT.

 Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban ATGT tỉnh: CVĐ bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; được các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức - xã hội, người dân quan tâm, hưởng ứng và thực hiện; TNGT đường thủy được kiềm chế qua từng năm, góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh; ý thức chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ của các cá nhân, tổ chức tham gia GTĐT đã được nâng cao; từng bước xây dựng được môi trường GTĐT an toàn; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các ngành, các cấp và toàn dân tham gia phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em...

 

BÌNH MINH