ÔNG BÙI MINH TRÍ, TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ CÁC KCN TỈNH:
Từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh trên nguyên tắc an toàn
(BDO) Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đang lên kế hoạch phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt, thích ứng với trạng thái của dịch bệnh để tiến tới mở lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN. Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, cho rằng mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh phải theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Nhiều DN trong các KCN đang chủ động lên kế hoạch xây dựng phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2021. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần TEKCOM (KCN Nam Tân Uyên mở rộng)
- Ông đánh giá thế nào về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN tỉnh 9 tháng năm 2021?
- Do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ tư đã gây ra tác động tiêu cực lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và phát triển của các DN trong KCN trong 9 tháng đầu năm. Nhiều DN trong KCN phải ngừng hoạt động do không đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng. Cùng với đó, nguồn vốn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân bị sụt giảm. Mặc dù tình hình có rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng DN, đã góp phần duy trì ổn định và phát triển các KCN theo định hướng đã đề ra. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của các DN trong các KCN cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020.
- Ông nhận định như thế nào về hoạt động sản xuất tại các KCN trong thời gian tới?
- Đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần được khôi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều DN đã cố gắng duy trì hoạt động bằng các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, tuy nhiên hiệu quả chưa thật sự đạt được như mong đợi. DN đang đối mặt với nhiều khó khăn, như: Đứt gãy chuỗi sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao, đầu vào nguyên vật liệu và công suất giảm, thiếu hụt lao động do công nhân đã về quê chưa biết khi nào trở lại Bình Dương… sẽ ảnh hưởng đến khả năng khôi phục sản xuất và chỉ tiêu phát triển trong những tháng cuối năm. Dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào KCN cũng đang có nguy cơ suy giảm.
- Ban quản lý các KCN tỉnh có kế hoạch như thế nào để tiến tới mở lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN, thưa ông?
- Quay lại hoạt động trong tình hình mới, phương án sản xuất của các DN cần phải thay đổi để bảo đảm an toàn và phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19. Mới đây, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-BQL về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh của các DN trong KCN. Kế hoạch này nhằm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong KCN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo đảm điều kiện sản xuất an toàn. Qua đó, góp phần giữ ồn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thu ngân sách nhà nước, việc làm, chăm sóc sức khỏe, đời sống người lao động.
- Ông có thể cho biết cụ thể về kế hoạch?
- Theo kế hoạch, các DN trong KCN sẽ áp dụng lộ trình tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo
Trong 9 tháng đầu năm, thu hút đầu tư trong nước của các KCN được 2.552 tỷ đồng, đạt 182,30% kế hoạch năm; thu hút đầu tư nước ngoài 2,11 tỷ đô la Mỹ, tăng 151,27% so với cùng kỳ và đạt 176% so với kế hoạch năm, trong đó cấp mới 37 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 416 triệu đô la Mỹ, tăng 13,63% về số vốn so với cùng kỳ. |
các mốc thời gian. Đối với DN đang duy trì hoạt động, đến 31-12-2021 đạt 80% công suất so với trước dịch. Đối với DN đang ngừng hoạt động, phấn đấu đến 31-10 sẽ có 90% DN trở lại sản xuất; đến 31-12-2021 đạt 100% DN trở lại so với trước dịch. Để các DN trở lại hoạt động theo lộ trình trên, các DN tại KCN có thể áp dụng theo mô hình “3 xanh” hoặc “3 tại chỗ linh hoạt” tùy theo tình hình kiểm soát dịch. Đối với vùng xanh, áp dụng mô hình “3 xanh” là nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh. Đối với vùng còn lại áp dụng mô hình “3 tại chỗ linh hoạt”.
Hiện có khoảng 90% số DN trong các KCN đã hoạt động sản xuất trở lại. Ban quản lý các KCN tỉnh sẽ tiếp tục gặp gỡ, hướng dẫn các DN xây dựng phương án phục hồi sản xuất; tiếp tục tăng tốc hơn nữa để tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho chuyên gia và người lao động. Bên cạnh đó, nhanh chóng triển khai thành lập các trạm y tế lưu động trong DN và trong KCN nhằm đảm bảo người lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi; thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn trong sản xuất.
-Trân trọng cảm ơn ông!
NGỌC THANH (Thực hiện)