Từng bước khôi phục kinh tế trong trạng thái bình thường mới
(BDO) Triển khai những giải pháp hiệu quả
Trong quý III-2021, kinh tế của tỉnh tuy vẫn phát triển nhưng có dấu hiệu chậm lại, các chỉ tiêu phát triển đều có tăng trưởng nhưng tốc độ đã sụt giảm rõ rệt so với 2 quý trước. Trong đó, thu ngân sách của tỉnh lũy kế 8 tháng đạt 44.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 76% dự toán. Tuy nhiên, loại trừ một số khoản thu tăng đột biến thì các khoản thu, nhất là thu từ các khu vực DN đều thấp hơn so với cùng kỳ. Hầu hết các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ. Chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu bị hạn chế, chi phí vận tải tăng cao; các vướng mắc trong đầu tư công được tập trung chỉ đạo tháo gỡ, tuy nhiên một số công trình, dự án còn chậm tiến độ, kéo dài…
Bình Dương đang từng bước xây dựng kế hoạch để nới lỏng, phục hồi dần sản xuất, kinh doanh sau thời điểm giãn cách xã hội. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thiên Nam
Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ 4 đến nay, nhiều DN của tỉnh đã cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng các phương án như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”... tuy nhiên hiệu quả chưa thật sự đạt được như mong đợi. DN đang đối mặt với nhiều khó khăn, như: Chi phí sản xuất tăng cao, đầu vào nguyên vật liệu và công suất giảm, có F0 xuất hiện trong DN, thiếu hụt lao động do công nhân chưa trở lại Bình Dương làm việc… sẽ ảnh hưởng đến khả năng khôi phục sản xuất và chỉ tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ trong những tháng cuối năm.
Trước tình hình này, tỉnh đã và đang tăng cường những giải pháp hiệu quả, giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Mới đây, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh sau thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Nổi lên trong đó là kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho DN. Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi…
Chuẩn bị kỹ để sẵn sàng trở lại
Việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch bệnh và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, hiệu quả và thời gian khống chế dịch bệnh sẽ quyết định đến sự ổn định lao động, quá trình phục hồi và đưa địa phương vào trạng tháng “bình thường mới” giai đoạn sau giãn cách.
Trên cơ sở nhận định tình hình, mới đây UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, huyện, thị, thành phố về việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Như vậy, sau thời điểm kết thúc giãn cách xã hội, Bình Dương sẽ nới lỏng, phục hồi dần sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, để DN có thể sản xuất an toàn, đối với các DN sản xuất công nghiệp tiếp tục thực hiện đăng ký hoạt động theo mô hình “3 xanh”.
Với hộ kinh doanh, cửa hàng buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng hóa phục vụ nhu cầu cho người dân, các huyện, thị, thành phố căn cứ quy định, đánh giá mức độ nguy cơ, các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch bệnh và điều kiện thực tế của địa phương xem xét, quyết định cho phép mở cửa trở lại các ngành, lĩnh vực kinh doanh, các chợ truyền thống trên nguyên tắc phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
NGỌC THANH