Từng bước đưa STEM vào trường học
(BDO) Năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Dầu Tiếng tiếp tục triển khai thực hiện tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hỗ trợ các trường triển khai thực hiện có hiệu quả giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) cho học sinh (HS).
Giáo viên huyện Dầu Tiếng thực hành các hoạt động giáo dục STEM
Một trong những hoạt động được ngành đẩy mạnh là tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý về giáo dục STEM, xây dựng và thực hiện bài học STEM; kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM và năng lực hướng dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Thầy Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng, cho biết ngành mong muốn nâng cao nhận thức cho các thầy cô về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường trung học; tăng cường áp dụng giáo dục STEM trong giáo dục trung học nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên về việc tổ chức, quản lý, xây dựng và thực hiện dạy học theo phương thức giáo dục STEM.
Nối tiếp các hoạt động giáo dục STEM cho HS, từ đầu tháng 3, Phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng phối hợp với trường Đại học Bình Dương tổ chức các lớp tập huấn phát triển năng lực dạy học STEM cho 180 giáo viên các trường THCS giảng dạy các môn: Toán, tin học, vật lý, hóa học, sinh học. TS Huỳnh Ngọc Thanh, giảng viên Khoa Khoa học giáo dục trường Đại học Bình Dương đã hướng dẫn thầy cô tìm hiểu về STEM, tìm hiểu về giáo dục STEM, cách thiết kế một hoạt động giáo dục STEM. Sau đó thầy cô thực hành 5 hoạt động giáo dục STEM là: Thiết kế cầu chịu lực; chế tạo máy chiếu phim 3D; thiết kế dù hạ cánh an toàn; chế tạo thiết bị tưới tự động cho cây; mỗi giáo viên chế tạo một sản phẩm tự chọn, cùng với thiết kế giáo án để hướng dẫn học sinh chế tạo sản phẩm tự chọn.
Qua lớp tập huấn, giáo viên thiết kế được bài giảng giáo dục STEM, tổ chức các tiết vui học STEM, thực hành giảng dạy STEM từ những vật dụng rẻ tiền, đơn giản… Theo TS Huỳnh Ngọc Thanh, giáo dục STEM có 2 đặc trưng là tích hợp liên môn và gắn với Kết quả của hoạt động giáo dục STEM là phẩm chất và năng lực của HS, kiến thức và sản phẩm của chủ đề, trong đó phẩm chất và năng lực là trọng tâm. thực tiễn.
Quan sát quá trình lớp tập huấn giáo dục STEM diễn ra, chúng tôi nhận thấy giáo viên phấn khởi khi được chia sẻ thêm kinh nghiệm tổ chức các tiết vui học STEM cho HS. Một nhóm giáo viên các trường THCS: Long Hòa, Định An, Định Hiệp… phấn khởi khi thực hiện bài thực hành: “Thiết kế chiếc dù hạ cánh an toàn”. Thầy Đỗ Tuấn Cảnh, giáo viên dạy vật lý trường THCS Minh Tân nhìn nhận, qua tập huấn, giáo viên thay đổi nhận thức về STEM, thấy được đây là hoạt động thiết thực đối với HS, giúp các em phát triển năng lực toàn diện. Việc các hoạt động giáo dục STEM gắn liền với thực tiễn cuộc sống sẽ giúp HS không còn cảm thấy xa lạ khi được tự tìm hiểu, sáng tạo, thiết kế… qua sự gợi mở của thầy cô. Ngoài ra, việc tổ chức dạy STEM dễ thực hiện, không cần trang thiết bị đắt tiền, do đó giáo viên từ thành thị đến nông thôn đều có thể thực hiện.
TS Huỳnh Ngọc Thanh cho hay dạy học các môn khoa học theo bài học STEM là hình thức tổ chức giáo dục STEM chủ yếu trong nhà trường trung học. Giáo viên thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn. Trong trường học, hoạt động trải nghiệm STEM còn được tổ chức thông qua hình thức câu lạc bộ hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tế; được tổ chức thực hiện theo sở thích, năng khiếu và lựa chọn của HS một cách tự nguyện.
HỒNG THÁI - TÚ BÌNH