Từng bước đẩy lùi tội phạm ma túy ra khỏi cộng đồng dân cư
(BDO) Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138 tỉnh, tính đến tháng 11-2018 toàn tỉnh quản lý 2.704 người nghiện ma túy. So với cùng kỳ năm 2017 tăng 88 người. Thời gian qua, công tác cai nghiện và giúp người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng được đặc biệt quan tâm.
Lực lượng công an phát tờ rơi tuyên tuyền về tác hại của ma túy cho công nhân làm việc tại nông trường cao su trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên
Chú trọng cai nghiện tại cộng đồng
Tính đến ngày 15-11-2018 tỉnh Bình Dương có 87/91 xã, phường thị trấn có tệ nạn ma túy, tăng 3 xã so với năm 2017. Trong năm 2018, ngành y tế phối hợp với công an (CA) và các ngành liên quan khám 3.298 đối tượng, trong đó xác định 2.372 đối tượng nghiện ma túy. Tính đến tháng 11-2018 toàn tỉnh quản lý 2.704 người nghiện ma túy. Trong đó số người nghiện ma túy ngoài xã hội là 1.622 người; trong trại giam, các nhà tạm giữ là 378 người, trong cơ sở cai nghiện là 704 người.
Để quản lý tốt người nghiện trên địa bàn, tiến tới xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy, thời gian qua các ban ngành đã tập trung hướng dẫn các đơn vị cấp xã thực hiện đề án “Xây dựng xã, phường thị trấn không có tệ nạn ma túy”. Đến nay, qua kiểm tra phân loại, cả tỉnh có gần 2.704 người nghiện được phát hiện tại 87 xã, phường, thị trấn. Đối với công tác phối hợp thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hàng năm, Mặt trận Tổ quốc các địa phương này và các khu dân cư phối hợp ngành CA tham gia xét giáo dục tại địa phương, đồng thời phối hợp với các tổ chức thành viên tham gia quản lý đối tượng và kiến nghị các cấp có các hình thức giúp đỡ thích hợp với người được giáo dục như: Học nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn, trợ giúp công cụ, phương tiện lao động; tạo điều kiện làm ăn, sinh sống; động viên thăm hỏi khi người được giáo dục ốm đau…
Theo báo cáo 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua (2008-2018) Mặt trận Tổ quốc cấp xã đã phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ 550 người nghiện ma túy; tiếp nhận về địa phương sau cai 452 người nghiện; đưa 399 người nghiện ra kiểm điểm trước dân; hỗ trợ đào tạo việc làm cho gần 3.500 người nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình tại cộng đồng dân cư đã phát huy được hiệu quả. Đó là các mô hình như: Câu lạc bộ không có con em nghiện ma túy; Tổ tự quản phòng chống ma túy; CLB Lá chắn; CLB Vì tương lai; Nhóm niềm tin... Thời gian qua, các mô hình này đã góp phần tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống ma túy cũng như cảm hóa giáo dục, giúp đỡ các đối tượng nghiện hồi tỉnh, làm lại cuộc đời, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội...
Ngoài ra thông qua các hoạt động tuyên truyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đẩy mạnh phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng chống ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư và phong trào Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Từ năm 2008 đến năm 2018, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp ngành CA duy trì được 3.666 tổ nhân dân tự quản, 89 đội dân phòng, 87 đội thanh niên xung kích... các mô hình này đã góp phần không nhỏ cho công tác phòng, chống tội phạm ma túy trong cộng đồng dân cư.
Đẩy lùi tội phạm ma túy ra khỏi cộng đồng dân cư
Một trong những địa phương làm tốt công tác đưa đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung là TX.Dĩ An. Chỉ tính trong năm 2018, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX.Dĩ An đã tiếp nhận 130 hồ sơ thuộc diện đối tượng đưa vào cai nghiện tập trung, trong đó có 17 hồ sơ được đơn vị này trả về cho CA địa phương vì chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật để đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung.
Theo quy định của pháp luật, việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm đúng theo quy định. Tòa án chỉ xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi đối tượng bị áp dụng thỏa mãn một trong các điều kiện sau: Người nghiện ma túy đủ từ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời gian 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời gian 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
Theo số liệu thống kê của Phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An, trong năm 2018, trên địa bàn TX.Dĩ An có 113 đối tượng nghiện ma túy được đưa đi cai nghiện tập trung đúng theo quy định của pháp luật. Theo cán bộ chức năng của phòng, trong số đối tượng này, các phường An Bình, phường Tân Đông Hiệp chiếm nhiều hơn so với các địa phương khác. Ông Trần Văn Hợp, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An, cho biết: “Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, đơn vị tiếp nhận 130 hồ sơ đưa đối tượng vào Trung tâm Cai nghiện tập trung của tỉnh. Trong đó, chúng tôi trả về 17 hồ sơ cho CA phường vì chưa bảo đảm”.
Trong năm 2018, CA phường An Bình lập 43 hồ sơ để đưa đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung. Theo Phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An, CA phường An Bình là đơn vị đưa được nhiều đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện trong năm 2018. Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng CA phường An Bình, cho biết: “Phường An Bình là địa bàn giáp ranh ranh với TP.Hồ Chí Minh luôn tiềm ẩn về việc phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Theo điều tra của chúng tôi trong thời gian qua, số vụ việc trộm cắp, cướp giật đi ngang địa bàn đều có liên quan đến đối tượng nghiện ma túy từ nhiều địa phương khác nhau đến đây gây án rồi bỏ trốn. Để góp phần bảo đảm về tình hình an ninh trật tự tại địa phương, thời gian qua lực lượng của đơn vị đã tăng cường trong công tác theo dõi những đối tượng nghiện ma túy để lập hồ sơ đưa vào trung tâm cai nghiện. Quan điểm của chúng tôi là nếu có điều kiện thì đưa hết các đối tượng nghiện vào trung tâm để cai nghiện thì sẽ đỡ đi gánh nặng cho địa phương. Riêng trong năm 2018, CA phường đã lập 43 hồ sơ chuyển đến Phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An xử lý theo thẩm quyền”.
Tương tự, phường Tân Đông Hiệp cũng được đánh giá là địa bàn phức tạp về hình hình an ninh trật tự, trong đó có liên quan đến số đối tượng sử dụng chất ma túy. Thiếu tá Trần Minh Nhựt, Trưởng CA phường Tân Đông Hiệp, cho biết: “Cuối năm 2018, CA phường Tân Đông Hiệp triển khai công tác chuyển hóa địa bàn, trong công tác này, chúng tôi chú trọng đến việc lập hồ sơ để đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc. Trong đợt này, chúng tôi lập 42 hồ chuyển về Phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An. Trong số này có 12 hồ sơ được chuyển về lại cho địa phương để tiếp tục theo dõi”.
Tính đến ngày 15-11-2018, tỉnh Bình Dương có 87/91 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, tăng 3 xã so với năm 2017. Trong năm 2018, ngành y tế phối hợp với CA và các ngành liên quan khám 3.298 đối tượng, trong đó xác định 2.372 đối tượng nghiện ma túy. Tính đến tháng 11-2018, toàn tỉnh quản lý 2.704 người nghiện ma túy. Trong đó số người nghiện ma túy ngoài xã hội là 1.622 người; trong trại giam, các nhà tạm giữ là 378 người, trong cơ sở cai nghiện là 704 người.
THANH QUANG - T.PHƯƠNG