Tuần làm việc cuối cùng kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII - Chất vấn Thủ tướng và 5 thành viên Chính phủ
Hôm nay 21-11, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 6, cũng là tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ hai. Với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và 5 thành viên Chính phủ, đây có lẽ là tuần làm việc được người dân chờ đợi và quan tâm theo dõi hơn cả.
Theo nghị trình, bắt đầu từ sáng 23-11 cho đến hết ngày 24-11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sáng 25-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ báo cáo thêm với Quốc hội một số vấn đề xung quanh việc điều hành kinh tế - xã hội năm 2012, tập trung vào 3 nhóm đột phá lớn về thể chế kinh tế, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thủ tướng cũng sẽ trả lời về những vấn đề mà ĐBQH chất vấn trực tiếp. Ngay trước phiên chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám và kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XII.
Trong tuần làm việc này, Quốc hội cũng sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật Biển Việt Nam và báo cáo thêm một số vấn đề về tình hình biển Đông; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Biển Việt Nam; thảo luận ở tổ và hội trường về dự án luật này.
Cũng trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Cơ yếu; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Trước khi bế mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng toàn quốc; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (nếu có).
Trao đổi với báo chí, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết: Theo tờ trình của Chính phủ, hiện có hai ý kiến khác nhau về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ.
Ý kiến thứ nhất đề nghị quyền hưởng lương hưu đối với người lao động giữ nguyên như hiện nay.
Ý kiến thứ hai đề nghị cần nâng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là nữ giới lên 60 tuổi để bảo đảm bình đẳng giới, đồng thời giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chính phủ cho rằng, nghỉ hưu là quyền của người lao động. Do đó, về vấn đề này dự thảo bộ luật giữ như hiện nay, tức là khi lao động nữ đủ 55 tuổi (và nam đủ 60 tuổi) thì họ có quyền nghỉ hưu.
Theo SGGP