Từ xã lên phường: Thu hút thêm nguồn lực để phát triển - Kỳ 1

Thứ ba, ngày 27/08/2019
 LTS: 4 xã Vĩnh Tân, Hội Nghĩa, Phú Chánh và Tân Vĩnh Hiệp thuộc TX.Tân Uyên đều là cửa ngõ quan trọng của thị xã kết nối với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; có cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ - thương mại và nông nghiệp; hạ tầng đô thị, quy mô dân số và diện tích tự nhiên đáp ứng quy định về tiêu chuẩn thành lập phường… Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua đề án phát triển 4 xã này lên phường. Việc phát triển 4 xã lên phường được đánh giá sẽ góp phần thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.

(BDO)  Kỳ 1: Xã Vĩnh Tân: Công nghiệp phát triển mạnh

 Xã Vĩnh Tân có vị trí quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH lan tỏa đến các xã, phường của TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, TX.Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một. Theo các cơ quan chức năng, khi xã phát triển lên phường sẽ tạo tiền đề và định hướng phát triển KT-XH gắn với quá trình hiện đại hóa tại địa phương.

 Xã Vĩnh Tân phát triển lên phường sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, mang lại diện mạo đô thị. Trong ảnh: Một góc trung tâm xã Vĩnh Tân. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Xu hướng tất yếu

Ông Lê Anh Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, cho biết thời gian qua đa số các chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Toàn xã không còn hộ nghèo xét theo tiêu chí của Trung ương; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 78,3%. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 45 triệu đồng/năm. Định hướng phát triển kinh tế của xã là tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Trên địa bàn xã hiện có KCN Việt Nam - Singapore II (mở rộng) với diện tích quy hoạch là 816 ha, đã thu hút 16 dự án trong nước và 143 dự án đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 43 công ty, doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp.

Bên cạnh công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của xã cũng phát triển mạnh. Toàn xã có 1 chợ và khoảng 440 hộ kinh doanh, buôn bán tạp hóa, nhà trọ... Sự phát triển của công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Anh Giang Thành Nhân, ở ấp 4, phấn khởi cho biết xã Vĩnh Tân đã “thay da đổi thịt”. Khu công nghiệp hiện đại đã được xây dựng tại địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Việc xã Vĩnh Tân được TX.Tân Uyên đề nghị phát triển thành phường Vĩnh Tân là xu hướng tất yếu để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ. Từ đó huy động nguồn lực để phát triển theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại; góp phần đưa TX.Tân Uyên phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Phù hợp với quy hoạch

Ông Nghĩa cho biết việc thành lập phường Vĩnh Tân là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ của xã có ảnh hưởng lan tỏa cho cả vùng. Chính vì vậy, yêu cầu nâng cấp quản lý và tổ chức bộ máy quản lý của xã phù hợp với sự phát triển là cần thiết.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Vĩnh Tân đã được tỉnh và TX.Tân Uyên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, điển hình là các tuyến đường giao thông chính như ĐT742 đi qua địa bàn được đầu tư mở rộng, nâng cấp. Về phía xã, từ năm 2016 đến nay địa phương đã đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa 27 công trình đường giao thông nông thôn và xây dựng cơ bản với tổng kinh phí trên 8,8 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị và nếp sống văn minh đô thị của xã có những chuyển biến rõ nét, cảnh quan kiến trúc, diện mạo đô thị được chỉnh trang và cải thiện đáng kể, các công trình văn hóa, giáo dục cơ bản được đầu tư nâng cấp... Do đó, việc thành lập phường Vĩnh Tân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác lập cơ sở pháp lý và khoa học để quản lý đất đai, quản lý sự phát triển đô thị và nông thôn; tạo tiền đề và định hướng phát triển KT-XH gắn với quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại - dịch vụ trên hiện trạng sẵn có của khu quy hoạch đô thị Tân Uyên.

Vĩnh Tân phát triển thành phường sẽ từng bước nâng cao công tác quản lý, giải quyết tốt các thủ tục hành chính cho người dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân... Ông Châu Văn Gấm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, nói: “Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi khi biết xã Vĩnh Tân lên phường. Lên phường là thật sự cần thiết và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân địa phương. Vì qua đó sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển KT-XH địa phương, góp phần phát triển đô thị TX.Tân Uyên”.

 Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 (Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ), đến cuối năm 2020 Bình Dương sẽ có 60 phường, hiện tỉnh mới có 41 phường. Xã Vĩnh Tân có diện tích tự nhiên 32,41km2, gồm 6 ấp và 14.204 nhân khẩu.

Kỳ 2: Phú Chánh: Thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển

 PHƯƠNG LÊ