Từ vụ ngộ độc rượu, lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các tỉnh thu hồi và tiêu hủy gấp lô rượu nếp 29 Hà Nội lô sản xuất 12.10.2013.
Đáng sợ là ngay thời điểm xảy ra chết người, 6.000 can rượu (12.000 lít) đang có mặt trên thị trường với hàm lượng methanol (cồn) và ethanol trong rượu chiếm thể tích từ 80% đến trên 98%, vượt 1.600 đến trên 1.900 lần giới hạn cho phép. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về quy trình sản xuất, khâu kiểm định chất lượng sản phẩm thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng...Vụ việc nghiêm trọng khiến 6 người thiệt mạng do dùng sản phẩm "Rượu nếp 29 Hà Nội" sẽ sớm được cơ quan công an điều tra làm rõ. Ai có tội, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thế nhưng nỗi lo về an toàn thực phẩm thì vẫn mãi hiển hiện, ám ảnh đối với hàng triệu người tiêu dùng.
Chẳng còn bao lâu nữa đến Tết Nguyên đán, người tiêu dùng khó có thể an tâm trước tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, và có nguồn gốc nhãn mác nhưng kém chất lượng gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn bày bán tràn lan như hiện nay.
Nhân dịp xuân về tết đến, việc lựa chọn tìm mua những loại bánh mứt, trà rượu chất lượng làm quà tặng người thân, gia đình luôn là một trong những vấn đề làm đau đầu những người tiêu dùng. Những câu hỏi như: Mua quà gì tiết kiệm nhưng ý nghĩa? Chọn loại thực phẩm, trà rượu, bánh mứt thế nào cho tươi ngon, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh? Làm thế nào để tránh mua nhầm các loại có phẩm màu, hóa chất độc hại?
Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến liên quan đến công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn chọn mua thực phẩm bảo đảm chất lượng nhằm giúp người tiêu dùng phần nào giải quyết được các vấn đề lo ngại trên.
MINH HOÀNG