Tư vấn tâm lý học đường: Vấn đề không thể xem nhẹ
(BDO) Tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường là hoạt động nhằm hỗ trợ và kịp thời can thiệp khi học sinh gặp khó khăn về tâm lý để giúp các em tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Nếu công tác này làm tốt sẽ giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Tư vấn tâm lý học đường hiện đang là vấn đề được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện
Thực tế đáng suy ngẫm
Vừa qua, mạng xã hội có thông tin về việc một thầy giáo có những hành vi “không đúng chuẩn mực với học sinh (HS)” và Công an TP.Dĩ An đang tạm giữ người này để điều tra. Câu chuyện này đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết sở đã nắm thông tin vụ việc và đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Ngành giáo dục sẽ phối hợp với lực lượng chức năng để làm rõ sự việc, trên cơ sở cá nhân này vi phạm đến đâu sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đến đó để không làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của trường.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Dũng, Chuyên gia tâm lý thuộc Ban tham vấn tâm lý và y tế học đường, Trường Đại học Bình Dương, bạo lực học đường hay mối quan hệ không lành mạnh giữa giáo viên và HS là một trong những vấn đề nghiêm trọng đang được xã hội hết sức quan tâm. Những sự việc đau lòng này càng cho thấy vai trò của công tác giáo dục tâm lý học đường ngày càng quan trọng.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Dũng, khủng hoảng tâm lýtrong HS ngày một phức tạp hơn, xuất phát từnhiều nguyên nhân như từ các mối quan hệ, áp lực học tập, ảnh hưởng của mạng xãhội… Nhu cầu được tham vấn tâm lý của HS ngày càng đa dạng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình bạn, tình yêu và các nguy cơ bị xâm hại tình dục…
Không thể xem nhẹ
Là trường mới xây dựng, có đầy đủ phòng chức năng nên Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Phú Giáo) đã chọn một phòng làm phòng tư vấn tâm lý cho HS. Theo thầy Vũ Thanh Dương, Hiệu trưởng nhà trường, hiện trường chưa có giáo viên chuyên trách về tư vấn tâm lý học đường, công việc này đang phân công cho giáo viên nhà trường kiêm nhiệm. Trường cũng đã lập ra tổ tư vấn tâm lý cho HS gồm 7 thành viên, tuy nhiên thời gian qua số lượng HS tìm tới để tư vấn tâm lý tương đối ít .
Hoạt động tư vấn tâm lý cho HS được các trường tổ chức theo nhiều hình thức như sân khấu hóa, sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề…
Còn tại Trường THPT Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo) mặc dù đội ngũ giáo viên phụ trách công tác tâm lý của trường đã được cử đi tập huấn nâng cao kiến thức, song nhà trường lại gặp khó khăn trong việc bố trí phòng tư vấn tâm lý cho HS. Thầy Lê Đức Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết hiện tại trường chưa có địa điểm phù hợp để đặt phòng tư vấn tâm lý cho HS. Những phòng trống của trường thì ở những vị trí có đông người, điều này khiến HS ngại tìm đến phòng tư vấn tâm lý. Trường cũng đang thiết kế lại cho phù hợp để làm vị trí đặt phòng tư vấn tâm lý cho HS trong thời gian tới.
Trong lúc các trường chưa có chuyên gia tâm lý học đường thì cần phát huy tinh thần trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, nâng cao vị thế của Ban đại diện cha mẹ HS, cán bộ làm công tác Đoàn - Hội - Đội. Các trường cũng nên tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Tư vấn tâm lý là bài toán không chỉ của riêng ngành giáo dục mà đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng để bảo đảm môi trường học tập lành mạnh và an toàn cho mọi người”. (TS. Nguyễn Hoàng Dũng) |
Với Trường THCS Trịnh Hoài Đức (TP.Thuận An), thời gian qua công tác tư vấn tâm lý cho HS luôn được nhà trường xem là nhiệm vụ quan trọng. Thầy Lê Đăng Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trịnh Hoài Đức, cho biết mặc dù chưa có phòng tư vấn tâm lý nhưng trường đã phân công giáo viên kiêm nhiệm và xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho HS được bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho HS trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…
Tuy mỗi địa phương, mỗi trường có những cách làm khác nhau, nhưng nhìn chung công tác tư vấn tâm lý cho HS vẫn còn nhiều khoảng trống. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông. Thế nhưng thực tế cho thấy nhiều nơi vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề này với nhiều lý do, như: Đội ngũ nhân lực thiếu, trình độ chuyên môn chưa phù hợp… Những bất cập trên khiến công tác tư vấn tâm lý cho HS ở các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
HỒNG PHƯƠNG