Tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm - Bài cuối
> Bài 2: Quan điểm của Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm
> Bài 3: Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân
Bài cuối: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làmNói đi đôi với làm là một trong ba nguyên tắc thực hành đạo đức của Bác: Nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời; đây đồng thời cũng là phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Theo Bác, nói thì phải làm, “nói” ở đây là chủ trương, đường lối, là lý luận. Cho nên nguyên tắc nói đi đôi với làm chính là đòi hỏi thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng và hành động, giữa nhận thức và việc làm.
Theo Bác, để thống nhất được giữa lời nói và việc làm thì phải có nhận thức đúng và có quyết tâm để vượt qua chính mình. Ý thứ hai Bác nói rằng, “nói đi đôi với làm” nó thể hiện bằng kết quả công việc chứ không phải bằng lý thuyết suông và kết quả công việc chính là thước đo sự cống hiến của mỗi người. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên của chúng ta, hơn nữa là người lãnh đạo thì lời nói và việc làm thống nhất lại càng quan trọng và cần thiết hơn. Bởi vì như Bác nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và đồng thời cán bộ cũng là tấm gương để dân noi theo, đảng viên đi trước làng nước theo sau.
Nói đi đôi với làm còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, công chức, nêu gương trước nhân dân. Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Trong thực tế người ta sờ thấy, quan sát được, học hỏi được chứ không thể nói lời nói gió bay.
Nội dung của nói đi đôi với làm, đây là nguyên tắc đạo đức công dân, đạo đức của người cách mạng và nó được thể hiện ở ba nội dung sau: nói phải đúng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. Ở đây cán bộ, đảng viên muốn nói đúng chủ trương, chính sách của Đảng thì phải có một yếu tố trước hết đó là phải nắm vững chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Mà chủ trương này liên tục thay đổi bởi thực tiễn xã hội vận động. Cán bộ, đảng viên không năng động để kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách, đường lối sẽ bị tụt hậu. Theo Bác, nắm vững để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng làm cho đúng. Muốn vậy thì phải rèn luyện tinh thần chịu khó học hỏi, vừa làm vừa học, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng của Đảng dù có trải qua khó khăn gian khổ đi chăng nữa vẫn tin tưởng vào mục tiêu, lý tưởng đã cùng với cả dân tộc đồng thuận, khẳng định. Theo Bác, để nói đúng quan điểm, đường lối của Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc học tập tư tưởng Mác - Lênin.
Theo Bác, lời nói đi đôi với việc làm và nói phải làm được sẽ mang lại những hiệu quả lớn. Nếu mang lại hiệu quả thì nhiều người sẽ hưởng ứng. Bác yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm, nói trước làm trước nhân dân. Bác nói, không được nói nhiều làm ít hoặc không làm. Để chống nói một đường làm một nẻo thì theo Bác cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Bác còn nói: Không thể làm theo lối quan liêu như cách “tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được”.
Ý thứ ba của nói đi đôi với làm là không được hứa mà không làm. Hứa chỉ có giá trị khi nó gắn liền với việc làm cụ thể có kết quả. Theo quan niệm của Bác, “làm” ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, là đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào đời sống từ việc nhỏ đến việc lớn và mang ý nghĩa thiết thực...