Tự tin trong chặng đường phát triển thông minh

Thứ ba, ngày 05/12/2023

(BDO) Tại phiên họp với chủ đề Triển vọng kinh tế châu Á các diễn giả khẳng định bất chấp bất ổn về địa chính trị, những áp lực kinh tế toàn cầu và biến dạng cấu trúc, châu Á vẫn tiếp tục phấn đấu và giữ được đà tăng trưởng kinh tế.

Tầm nhìn dài hạn

Hiện trên thế giới, chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế đang kết nối lại. Nhiều quốc gia châu Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã đề xuất các kế hoạch phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy cơ sở hạ tầng xã hội và thương mại địa phương. Các diễn giả đi sâu vào phân tích trước triển vọng chung của châu Á là gì và các quốc gia châu Á đang giải quyết những bất ổn kinh tế như thế nào? Những khó khăn trong tương lai cần khắc phục bằng các biện pháp ngắn hạn và dài hạn là gì? Câu trả lời được đưa ra là các quốc gia châu Á, khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam cần liên kết lại để phát triển các mô hình sản xuất trung hòa carbon, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng xanh…

Ông Cường Đặng, Giám đốc Điều hành Forbes Việt Nam, cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Dự báo trong thời gian tới, các chuỗi cung ứng công nghiệp, lương thực thực phẩm toàn cầu được khôi phục, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo ra cơ hội cho sản xuất xanh, bền vững. Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm 5,9% trên đầu người trong 25 năm tới. Bắt nhịp với xu hướng mới, Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, bao trùm hơn.

Các diễn giả trao đổi bên lề Diễn đàn Horasis châu Á 2023

Bên cạnh chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay là kết nối hạ tầng bao gồm cả hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển và cả hạ tầng công nghệ với châu Á và thế giới. Ông Don Lam, Giám đốc Điều hành và đối tác sáng lập VinaCapital (Việt Nam), cho biết không thể phủ nhận sự tiến bộ vượt bậc của châu Á trong công nghệ mới, lĩnh vực thường được tạo điều kiện thuận lợi bởi những thế mạnh hiện có về sản xuất và cơ sở hạ tầng. Sự nổi lên nhanh chóng của châu Á với tư cách là nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu trong thập kỷ qua là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác. Mặc dù các chuỗi cung ứng công nghệ ở châu Á tiếp tục được cải tiến khi chúng phát triển, những thay đổi đã diễn ra rộng khắp trong khu vực. Điều này đã giúp ích rất nhiều trong việc hỗ trợ khả năng phục hồi tương đối của châu Á trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Châu Á cũng đang phát triển các mô hình hợp tác mới giữa các hệ sinh thái kỹ thuật số để giúp các doanh nghiệp và xã hội chia sẻ tài nguyên, thông tin hiệu quả hơn.

Bình Dương đi đúng hướng

Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Thanh Vân, Giám đốc Điều hành Savvycom Việt Nam, cho biết Diễn đàn kinh tế châu Á đã đưa ra những ý kiến quan trọng để các quốc gia có trong giai đoạn mới. những định hướng phù hợp “Bình Dương, một địa phương năng động và có những định hướng phát triển đúng đắn, những ý kiến hôm nay tiếp tục giúp Bình Dương vững vàng trên con đường đi tới của mình. Trong đó, Bình Dương cần có sự quyết tâm lớn hơn trong việc triển khai các mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số... hướng đến nâng cao đời sống của người dân”, bà Đặng Thị Thanh Vân cho biết.

Sau Diễn đàn Horassis châu Á 2023, ông John Jung, Chủ tịch và Đồng sáng lập ICF đánh giá Bình Dương có nhiều cơ hội để phát triển chiến lược thông minh. “Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là Bình Dươmg phải thực sự đầu tư tài chính để bảo đảm rằng tất cả những yếu tố cần thiết sẽ được chú trọng đó là: Logistics, giao thông, chất lượng cuộc sống thông qua công viên, không gian xanh và nhà ở cho người thu nhập thấp. Cùng với đó Bình Dương cần xem xét nắm bắt nhiều cơ hội để tận dụng cái mà chúng ta gọi là thành phố thông minh và cộng đồng thông minh thông qua công nghệ”, ông John Jung khẳng định.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Bình Dương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các địa phương và tổ chức quốc tế nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập. Với chiến lược phát triển nhanh, hài hòa, xanh và bền vững, mục tiêu của Bình Dương là đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu về đổi mới sáng tạo. Đến năm 2045, trở thành đô thị thông minh, động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước.

TIỂU MY

Từ khóa: