Từ tàu “không số” đến tàu ngầm Kilô - Bài 2
Bài 2: Ra quân đánh thắng trận đầu
Để cứu vãn sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam. Trước tình hình mới, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng đánh trả bước “leo thang” chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.
(BDO)
Tàu khu trục Maddox bị tàu phóng lôi của Hải Quân Nhân dân Việt Nam đánh đuổi ngày 2-8-1964 (Ảnh tư liệu)
Đêm 31-7, rạng sáng ngày 1-8-1964, tàu khu trục Ma Đốc của Mỹ xâm phạm vào vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Có nơi, tàu này đi cách bờ chỉ khoảng 6 hải lý, vòng đi vòng lại nhiều lần để quan sát thăm dò lực lượng và sự bố phòng của ta.
Tất cả các hành động trên của tàu Ma Đốc Mỹ đều bị các đơn vị ra đa, quan sát mắt của ta theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo lên cấp trên. Căn cứ vào chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu và tình hình hoạt động tàu khu trục của địch, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 khẩn trương làm công tác chuẩn bị, bảo đảm mọi mặt và tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3 để sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu. Đến 23 giờ ngày 1-8, Phân đội 3 lắp xong ngư lôi và hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Đến 0 giờ 15 phút ngày 2-8, Phân đội 3 được lệnh rời cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh), bí mật hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích đón đánh tàu khu trục của địch. Vì gió mùa đông bắc, sóng cấp 4, cấp 5 nên đến 8 giờ 30 phút ngày 2-8, Phân đội 3 mới tới Hòn Nẹ. Tại đây đã có 2 tàu tuần tiễu T146 và T142 của Khu Tuần phòng 1, do đồng chí Trần Đình Chỉ, Phân đội trưởng Phân đội 4 chỉ huy, đang neo đậu ở phía tây nam đảo. Phân đội tàu phóng lôi vào, thả neo theo đội hình phòng không ở phía nam Hòn Nẹ một hải lý. Cả 3 tàu cho hạ cột anten ra đa và tổ chức ngụy trang. Đến 10 giờ 30 phút, chỉ huy Biên đội tàu tuần tiễu T146 thông báo cho tàu 333 biết cấp trên lệnh cho phân đội tàu phóng hành quân vào Hòn Mê ngay. Chỉ huy Phân đội 3 đã chỉ đạo các tàu nhanh chóng thu neo và cơ động vào Hòn Mê. 2 tàu tuần tiễu T146 và T142 cũng được lệnh cùng đi với Phân đội 3 tàu phóng lôi, nhưng do tốc độ tàu tuần tiễu thấp hơn nên thống nhất các tàu phóng lôi cứ vào trước. Phân đội 3 đã vào đến Hòn Mê lúc 12 giờ 30 phút, thả neo ở vị trí tây bắc đảo và tiến hành ngụy trang chờ thời cơ. 40 phút sau, Biên đội tàu tuần tiễu cũng vào đến Hòn Mê.
13 giờ 30 phút ngày 2-8, tàu khu trục Ma Đốc Mỹ xâm phạm vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường, cách Hòn Mê 9 hải lý, Sở Chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tuần tiễu xuất kích. 2 tàu T142 và T146 đi theo hướng đông bắc nhằm đến khu biển đang có tàu của địch hoạt động. 20 phút sau, Phân đội 3 tàu phóng lôi được lệnh xuất kích theo hướng 2 tàu tuần tiễu, đến 14 giờ 10 phút thì đuổi kịp biên đội tàu tuần tiễu, sau đó các tàu phóng lôi tăng tốc độ vượt lên trước tìm tàu Ma Đốc của địch. Do tốc độ chậm hơn và thông tin liên lạc không bảo đảm nên các tàu tuần tiễu sau đó đã không đến kịp để phối hợp chiến đấu cùng tàu phóng lôi.
Trong lúc này, tàu Ma Đốc Mỹ đã ở phía đông Hòn Nẹ, phương vị 1150, cự ly 27 hải lý và Phân đội 3 cách tàu Ma Đốc 13,7 hải lý. Khi phát hiện được tàu địch, cả 3 tàu phóng lôi tăng vận tốc tiếp cận mục tiêu. Tàu khu trục địch thấy có 3 tàu tốc độ cao đang tiếp cận, cũng tăng vận tốc chạy ra xa. Phân đội 3 vẫn nhằm mục tiêu hướng tới. Khi các tàu của ta còn cách 6 hải lý, tàu địch dùng pháo lớn bắn dồn dập về phía đội hình tàu phóng lôi. Mặc cho địch bắn pháo ngăn chặn, các tàu của ta vẫn dũng cảm tiến lên phía trước, vừa vận động chữ chi tránh đạn, vừa nhanh chóng rút ngắn cự ly, chiếm lĩnh vị trí có lợi để công kích ngư lôi. Chỉ huy trưởng phân đội lệnh cho tàu 333 tăng vận tốc chặn tàu địch lại, tạo điều kiện thuận lợi để 2 tàu 336 và 339 tấn công. Khi tàu 339 tiếp cận được góc 1100 mạn phải tàu khu trục, cự ly 10 liên (1 hải lý bằng 10 liên), pháo thủ 14,5mm bắt đầu phát hỏa về phía tàu địch trong khi tàu tiếp tục rút ngắn khoảng cách, vào đến cự ly 7 - 8 liên thì thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản hạ lệnh phóng ngư lôi để tiêu diệt địch và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Lúc này trên trời xuất hiện 5 máy bay lao đến tập kích, 1 trái rốc két bắn trúng khoang máy chính; pháo thủ 14,5mm và chiến sĩ máy hy sinh; tàu 339 phải thả trôi cách tàu địch khoảng 3 hải lý vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc, vừa ngoan cường chiến đấu đánh trả máy bay địch bằng súng 14,5mm và súng trung liên. Sau khi tàu 339 phóng ngư lôi, tàu 336 tiếp tục tiếp cận ở góc mạn phải tàu địch 110 - 1200, cự ly 6 - 7 liên thì phóng ngư lôi, sau đó giảm tốc độ chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Ngay lúc đó, đạn pháo tàu địch bắn trúng tàu 336, Thuyền trưởng Phạm Văn Tự hy sinh. Mặc dù đang bị thương nhưng không để chậm trễ, Thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn từ boong tàu sau chạy lên đài chỉ huy vừa chỉ huy chiến đấu, vừa điều khiển tàu cơ động ra khu vực tàu 339 đang thả trôi.
Tiếp theo tàu 336, tàu 333 tiếp cận vào vị trí công kích ngư lôi. Với tinh thần quyết tâm chiến đấu đến cùng, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột đã chỉ đạo pháo thủ 14,5mm bắn quét lên boong tàu địch và tiếp tục cho tàu cơ động rút ngắn khoảng cách, khi vào đến vị trí công kích ở góc mạn phải tàu địch 800, cự ly 6 liên thì phóng ngư lôi; sau đó vừa rời khu vực tác chiến, vừa tiếp tục bắn quét lên mặt boong tàu địch. Tàu khu trục của địch bốc khói, không phát hỏa nữa và chuyển hướng tháo chạy ra vùng biển quốc tế…
Ngay lúc đó, 4 máy bay của địch tiếp tục lao đến tấn công vào các tàu của Phân đội 3. Tàu 333 và 336 vừa cơ động, vừa nổ súng đánh trả. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, cán bộ chiến sĩ các tàu đã tập trung hỏa lực bắn cháy 1 máy bay rơi ngay xuống biển và bắn bị thương 1 chiếc; 2 chiếc còn lại vội vã rời khỏi khu vực chiến đấu. Trong trận chiến đấu này, tàu Ma Đốc của địch đã bị trúng đạn, hư hỏng một số trang thiết bị, phải rút chạy ra khơi xa; 1 máy bay bị bắn rơi và 1 bị thương. Về phía ta, hai tàu 336 và 339 bị hư hỏng một số máy móc, trang bị; 4 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí bị thương.
Sau 9 năm xây dựng, đây là trận đầu tiên Hải quân Nhân dân Việt Nam ra quân chiến đấu trực tiếp với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Với số lượng tàu ít và nhỏ bé, có nhiều hạn chế về tính năng kỹ thuật, lại trong tình huống chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có lực lượng hỗ trợ, nhưng cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng kiên cường tiến công tàu khu trục và đánh trả máy bay của địch; khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân miền Bắc nói chung và của Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng. Đó là lời cảnh báo với hải quân, không quân Mỹ nếu chúng tiếp tục xâm phạm vào vùng biển, vùng trời của Việt Nam thì nhất định sẽ bị giáng trả thích đáng.
Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 3-1-1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP-QĐ nâng cấp Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ: “Chỉ huy, lãnh đạo xây dựng Quân chủng Hải quân, đảm nhận nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trên không phận, hải phận, bờ biển miền Bắc”. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới cả về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Hải quân, lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền và chiến đấu trên chiến trường sông biển, hải đảo của Tổ quốc. Đảng ủy Cục Hải quân cũng được nâng cấp thành Đảng ủy Quân chủng Hải quân. Trong giai đoạn này Quân chủng Hải quân cùng một lúc tiến hành nhiều nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khẩn trương, đương đầu với nhiều khó khăn thử thách ác liệt của chiến tranh, song đã giành nhiều thành tích vẻ vang và không ngừng trưởng thành, tiến bộ, đặc biệt là sự kiện ra quân đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964.
Bài 3: Vì miền Nam ruột thịt
P.V
(Nguồn: Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân)