Từ tài xế xích lô đến kiện tướng quốc gia!

Thứ ba, ngày 06/12/2011

Trong làng cờ tướng Việt Nam hiếm có kỳ thủ nào lại có hoàn cảnh đặc biệt như anh. Từ một bác tài xích lô, quen lăn lóc cùng bụi đường với gánh nặng cơm áo gạo tiền, ông đã “rũ mình” vươn lên trở thành kiện tướng quốc gia, một trong những tay cờ giỏi nhất Việt Nam. Đó là ông Trần Quốc Việt, thành viên của đội tuyển cờ tướng Bình Dương, người vẫn được người hâm mộ làng cờ gọi với mỹ danh là “Sát nhân vô ảnh” hay đơn giản là “Việt xích lô”...

 

Hoàn cảnh đặc biệt

Đã hẹn nhiều lần, nhưng phải chờ đến giải vô địch cờ tướng TX.Thủ Dầu Một mở rộng, tranh cúp Tăng Nguyên Giai lần 2 năm 2011 vừa kết thúc mới đây chúng tôi mới có dịp gặp “Sát nhân vô ảnh” Trần Quốc Việt. Đã mường tượng từ trước về một kỳ thủ có dáng dấp phong trần, nhưng giữa hội trường Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (địa điểm thi đấu của giải) với gần 80 tay cờ đủ mọi lứa tuổi, chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của kỳ thủ Nguyễn Hoàng Lâm mới “rà” được vị trí của kiện tướng quốc gia “Việt xích lô” là ông già đầu bạc trắng đang ung dung ngồi đọc báo với chiếc kính lão dày cộm. Hóa ra, kỳ thủ Trần Quốc Việt phong trần nhiều hơn chúng tôi tưởng so với cái tuổi sinh năm 1954 của ông. 

Kiện tướng Trần Quốc Việt đang thi đấu tại Cúp Tăng Nguyên Giai - Bình Dương 2011

 

Kỳ thủ Trần Quốc Việt sinh ra và lớn lên trong gia đình tương đối khá giả tại xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ, nhà ông có bàn bida kinh doanh nổi tiếng ở chợ huyện. Nhưng, cậu bé Việt lại không mê nghiệp cầm cơ vốn rất thịnh hành vào thời điểm trước giải phóng mà lại mê đánh cờ tướng. Ông Việt kể lại: “Lúc nhỏ, tôi thường la cà ra tiệm hớt tóc ở gần nhà, xem mấy ông, mấy bác chơi cờ tướng rồi mê luôn môn này lúc nào không hay. Lúc 10 tuổi tôi đã chơi cờ tướng thành thạo nhờ những nước cờ do cha tôi (thầy giáo) và các ông, các bác ở tiệm hớt tóc chỉ dạy. Nhưng rồi hoàn cảnh đất nước chiến tranh, cả nhà tôi tản cư lên Sài Gòn, sống ở quận 8, tôi tập trung vào việc học và làm thêm nên cũng không có thời gian đụng tới bàn cờ. Sau khi nước nhà thống nhất, tôi và gia đình lao vào cuộc mưu sinh với đủ nghề từ sửa xe đạp chuyển sang sửa xe honda, xe lam rồi đi làm nhân viên kỹ thuật phòng thủy lợi của quận 8 (TP.HCM) nhưng cuộc sống vẫn cứ khó khăn. Thấy vậy, để đỡ đần vợ con tôi quyết định sắm chiếc xích lô hành nghề kiếm sống...”.

Nói đến đây, giọng của kiện tướng quốc gia Trần Quốc Việt sau lúc sang sảng bỗng chùng xuống. Kỳ thủ Trần Quốc Việt kể tiếp: “Tôi nhớ mình bắt đầu chạy xích lô từ năm 1983 cho đến khi “treo xe” vào năm 2002 là 19 năm. Cũng nhờ những ngày lang thang với chiếc xích lô “cần câu cơm”, ngồi chờ đón khách mà tôi có dịp học thêm cờ tướng từ những bàn cờ được bày vội vã bên vỉa hè, quán nước. Với vốn liếng cờ được tích lũy từ nhỏ, cộng với những nước đi ảo diệu, biến hóa lĩnh hội được từ những bạn cờ ven đường hoặc những vị khách đi xe xích lô mà bản lĩnh cờ tướng của “Việt xích lô” ngày một được nhiều người biết đến, không chỉ gói gọn trong địa bàn quận 8. Có lẽ cũng nhờ chơi cờ hay nên đã hỗ trợ đắc lực cho công việc kiếm sống. Việt xích lô có rất nhiều khách mối, khách quen và cả những khách sộp là những người yêu cờ tướng muốn có cơ hội được một lần thách đấu với bác tài xế có những thế cờ cao diệu này. Tuy nhiên, hầu như tất cả những trường hợp thách đấu với ông đều trở thành bại thủ dưới tay của Trần Quốc Việt. Thế là cái biệt danh “Sát nhân vô ảnh” ra đời từ đó...

4 lần được phong kiện tướng quốc gia

Không còn đối thủ ở các kỳ đài, hội quán, Trần Quốc Việt nghe lời bạn hữu mạnh dạn đăng ký dự thi giải vô địch cờ tướng TP.HCM. Nằm trong số 8 kỳ thủ đứng đầu giải A1 TP.HCM, Trần Quốc Việt được cử đi dự giải A2 toàn quốc. Ngay trong lần đầu dự giải, kỳ thủ Trần Quốc Việt đã thể hiện được đẳng cấp của mình (đứng thứ 2) và được chọn đi dự giải A1 toàn quốc. Năm 1999, tại giải cờ tướng đồng đội toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, kỳ thủ Trần Quốc Việt giành được hạng 5 sau thành tích 4 ván thắng, 7 ván hòa, được phong cấp Dự bị Kiện tướng quốc gia. Sang năm 2000, tại giải vô địch quốc gia tổ chức tại TP.HCM, kỳ thủ Trần Quốc Việt đứng hạng 6, được Tổng cục TDTT phong đẳng cấp Kiện tướng Quốc gia. Điểm đặc biệt là trong thời gian này, Trần Quốc Việt vẫn còn chạy xích lô kiếm sống, nên khi đi thi giải quốc gia đã có một số đối thủ cố ý chọc ngoáy vào công việc của ông để mong đối phương bị “quê” mà rối cờ. Tuy nhiên, kiểu chơi xấu này không những chẳng làm kỳ thủ Trần Quốc Việt phân tâm mà còn giúp ông thêm quyết tâm giành chiến thắng trước nhất là để khẳng định bản lĩnh của mình, sau là để có thêm chút kinh phí dằn túi từ giải thưởng của BTC để về phụ giúp vợ con. Biết hoàn cảnh và tinh thần vượt khó của kỳ thủ Trần Quốc Việt, các kỳ thủ làng cờ trong và ngoài nước đều rất nể phục “Việt xích lô”.

Đối với một người chơi cờ, một lần được phong kiện tướng quốc gia đã là vinh dự, nhưng với Trần Quốc Việt thì ông có đến 4 lần có được diễm phúc đó. Ông Việt tự hào kể về những ván cờ đã làm nên tên tuổi của ông tại các giải cờ tướng quốc gia trong các năm 2008 (hạng 8 toàn quốc), 2009 (hạng 5). Tuy nhiên, một bước ngoặt trong cuộc đời kỳ nghệ của Trần Quốc Việt đã xảy ra sau mùa giải năm 2009 khi ông chủ động xin chia tay màu áo TP.HCM để chuyển về đầu quân cho đội tuyển cờ tướng tỉnh Bình Dương. Trong màu áo mới, Trần Quốc Việt lần đầu tiên được nhận lương và các chế độ đãi ngộ khá thỏa đáng sau 10 năm thi đấu “không lương”. Đây cũng là một động lực để giúp “Sát nhân vô ảnh” thi đấu xuất sắc, mang vinh quang về cho đội tuyển cờ tướng Bình Dương và cá nhân. Tại giải VĐQG năm 2010 tổ chức tại Bình Phước, Trần Quốc Việt xuất sắc giành hạng 4 cá nhân chung cuộc, giúp tuyển Bình Dương đứng hạng nhì toàn đoàn. Nhận xét về kỳ thủ Trần Quốc Việt, ông Vương Minh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh Bình Dương bày tỏ: “Trong cuộc sống cũng như lúc thi đấu, anh Việt là người có nghị lực và sức phấn đấu hơn người, không bao giờ chấp nhận chùn bước trước hoàn cảnh dù khó khăn đến mấy. Anh Việt xứng đáng là một trong những cánh chim đầu đàn dìu dắt các đàn em của đội tuyển cờ tướng Bình Dương và làng cờ tỉnh nhà đi lên”. Cuối buổi gặp, tôi hỏi “giờ cuộc sống của ông sau khi về đầu quân cho Bình Dương đã ổn định rồi phải không”? Kỳ thủ có mái tóc bạc trắng này cười lớn rồi quay lại vỗ vai người viết: “Người ta nói cờ tướng kỳ bạc hay cờ bạc, có thể làm cho người ta khuynh gia bại sản nếu đến với nó bằng mục đích sát phạt đỏ đen. Nhưng với cờ tướng, tôi được nhiều hơn là mất và nó có “bạc” hay không là do mình...”.

CHÍ THANH