Từ sự kiện Biển Đông: Nhu cầu tái cấu trúc kinh tế là cấp thiết

Thứ bảy, ngày 14/06/2014

Gần đây nhiều ý kiến lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tổn thương nếu quan hệ Việt - Trung trở nên căng thẳng hơn do sự hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những tính toán và phân tích dưới đây giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về hai nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc.

Dựa trên bảng cân đối liên ngành của Trung Quốc (1) và Việt Nam có thể tính toán cấu trúc sơ bộ thông qua mức độ ảnh hưởng của cầu cuối cùng đến phía cung và thu nhập của hai nền kinh tế

Tính toán cho thấy ảnh hưởng lan tỏa từ phía cầu đến sản xuất và thu nhập của Trung Quốc và Việt Nam có sự khác nhau khá lớn.

Với Trung Quốc, do phía cung dồi dào, nên khi can thiệp vào phía cầu cuối cùng (final demand) đã làm tăng sản lượng và giá trị gia tăng (gross value added) rất mạnh. Điều này ngược lại với Việt Nam.

Với Trung Quốc, việc tiêu dùng nội địa lan tỏa đến thu nhập ngang với xuất khẩu (một đồng tăng lên của tiêu dùng lan tỏa đến nhập khẩu 0,76 và xuất khẩu là 0,79), trong khi với Việt Nam mức lan tỏa tương ứng là 0,42 và 0,47.

 Nền kinh tế Việt Nam ngày càng kém hiệu quả và mang tính gia công ngày càng nặng nếu không nhanh chóng thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ “đau ốm” triền miên và đến một lúc nào đó sẽ không gượng dậy được nữa.

Đầu tư cũng vậy, khi họ đầu tư 1 đơn vị, thì mức lan tỏa đến thu nhập là 0,66, hơn hẳn Việt Nam gần 20 điểm phần trăm.

Như vậy có thể thấy nhờ phía cung của Trung Quốc rất dồi dào nên khi tác động vào phía cầu cuối cùng đã tạo ra một sức lan tỏa đến sản xuất và thu nhập rất lớn.

Lẽ ra, Việt Nam cần sớm quay sang tinh thần trọng cung như nhiều chuyên gia kinh tế đã góp ý từ lâu và từ đó cấu trúc lại nền kinh tế. Đằng này, Việt Nam lại mải miết với việc quản lý cầu cuối cùng, nên kết quả không như mong đợi.

Ngoài ra, tham nhũng cũng là thủ phạm trong chuyện này khi so sánh mức độ lan tỏa của đầu tư đến sản xuất, có thể thấy lượng tiền bỏ ra đầu tư không đến được với sản xuất khoảng 17%.

Bên cạnh đó, chính sách hướng ngoại của Việt Nam không hẳn là phù hợp, việc hướng ngoại này không chỉ đối với FDI mà ngay cả đối với các nhân tố của cầu cuối cùng (tiêu dùng, tích lũy và xuất khẩu). Hầu như các chính sách đều hướng tới xuất khẩu mà quên hẳn thị trường nội địa, trong khi đó, với Trung Quốc, mức độ lan tỏa của tiêu dùng nội địa đến sản xuất và thu nhập gần như tương đương nhau.

Một tính toán khác làm rõ hơn những tác động có thể có từ sự căng thẳng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Sử dụng bảng cân đối liên ngành năm 2010 cập nhật cho năm 2012 theo giá 2010 của Việt Nam, phân tách xuất khẩu và nhập khẩu thành (1) xuất khẩu sang Trung Quốc và xuất khẩu sang các nước còn lại; (2) nhập khẩu từ Trung Quốc và nhập khẩu từ các nước còn lại, từ đó tính toán mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc tới nền kinh tế Việt Nam.

Kết quả cho thấy với các giả thiết: tổng thầu ngưng trệ, đầu tư FDI từ Trung Quốc giảm 50%; xuất khẩu giảm 20%; nhập khẩu giảm 20% thì kết quả là nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%. Với tình huống đó, GDP giảm khoảng 1,68%.

Tuy nhiên, nếu thay thế được tổng thầu với đối tác khác hoặc với các đối tác trong nước và sản xuất ít phụ thuộc vào nhập khẩu hơn thì ảnh hưởng này sẽ giảm bớt. Bên cạnh đó, nếu thay thế xuất khẩu sang Trung Quốc bằng xuất khẩu sang các nước khác khoảng 5% và cơ cấu xuất khẩu thay đổi (chuyển tỷ trọng xuất khẩu ở khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ) thì động thái này lại làm GDP tăng 0,22-0,5%.

So sánh với một số nước châu Á (cũng dựa trên tính toán này), kết quả cho thấy Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có nền sản xuất mang nặng tính gia công nhất. Kết quả này tương đồng với nhận định của ông Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc. Ông Việt cho rằng, Trung Quốc là một nền kinh tế công xưởng, và Việt Nam là nền kinh tế gia công. Quy mô của nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn Việt Nam rất nhiều nhưng về bản chất đều có những nét rất tương đồng, đó là tính dễ tổn thương và hiệu quả không cao.

Gần đây cấu trúc kinh tế của Việt Nam có xu hướng tụt hậu khá rõ, mức độ lan tỏa từ nhu cầu cuối cùng nội địa đến phía cung đã tăng từ 2,59 (năm 2007) lên 3,57 (dự tính năm 2012), nhưng mức độ lan tỏa đến sản xuất nội địa lại giảm từ 1,77 xuống 1,66 trong thời gian tương ứng. Điều này có nghĩa là mức độ lan tỏa đến nhập khẩu đã tăng mạnh, từ khoảng 1 (năm 2007) lên 1,91 (năm 2012). Như vậy, nếu các nhà điều hành kinh tế vẫn mãi tác động đến phía cầu cuối cùng thì chỉ làm tăng thâm hụt thương mại của khu vực kinh tế trong nước.

Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam ngày càng kém hiệu quả và mang tính gia công ngày càng nặng. Tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng xấp xỉ 20 điểm phần trăm trong giai đoạn 2000-2012, riêng trong năm năm 2007-2012 tỷ lệ này tăng gần 10 điểm phần trăm, hàm lượng giá trị gia tăng lan tỏa bởi cầu cuối cùng ngày càng thấp (thấp nhất trong các nước được so sánh trong vùng).

Do đó, dù không có tác nhân là vụ giàn khoan của Trung Quốc, thì nếu không nhanh chóng thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ “đau ốm” triền miên và đến một lúc nào đó sẽ không gượng dậy được nữa.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay càng cần thực hiện nhanh chóng và quyết liệt việc tái cấu trúc kinh tế, chuyển hướng từ xuất khẩu của khu vực công nghiệp chế biến sang xuất khẩu dịch vụ. Đồng thời cần tăng cường sản xuất các sản phẩm để tiêu dùng trong nước, áp dụng các chính sách ưu đãi cho xuất khẩu cân bằng với sản xuất để tiêu thụ nội địa và tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực sở hữu (kinh tế dân doanh, kinh tế nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài).

(1) ADB, Supply and Use tables for selected Economies in Asia and the Pacific, December, 2012.

Theo Thesaigontime