Từ Pác Bó đến Quốc dân Đại hội Tân Trào - Bài 3

Thứ bảy, ngày 02/09/2017

Bài 3: Mở ra kỷ nguyên mới

(BDO)

Chiều ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu Quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc... Quốc dân Đại hội Tân Trào được xem là “Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2”, là một mốc son chói lọi, mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam.

 Đình Tân Trào, nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) ngày 16-8-1945. Ảnh: T.L

 Mặc dù đã trải qua 72 mùa thu, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng mỗi khi nhắc đến địa danh Tân Trào, mỗi người dân Việt Nam như vẫn cảm nhận được không khí hào hùng của những ngày thu Tháng Tám lịch sử năm ấy. Nơi đây vẫn còn những di tích lịch sử tồn tại mãi với thời gian như mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa, Hang Bòng… Mỗi địa danh, mỗi di tích ở đây đều có ý nghĩa lịch sử quan trọng nơi khởi nguồn của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và hiện nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” để nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương, tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng và đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vạch ra những nhiệm vụ và chủ trương, biện pháp cách mạng mới để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước phù hợp với tình hình lúc này. Một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã phát triển trong toàn quốc. Phong trào chiến tranh du kích, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra trong nhiều địa phương, nhất là ở thượng du và trung du Bắc kỳ. Hàng loạt xã, châu, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang... được giải phóng.

Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng. Chỉ thị nêu rõ: “Trong tình thế chính quyền đế quốc có chỗ tan rã, có chỗ không được ổn định như ở nước ta ngày nay, Ủy ban Dân tộc giải phóng là hình thức tiền Chính phủ, trong đó nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng”.

Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang. Ngày 4-6-1945, Hội nghị Cán bộ Việt Minh đã quyết nghị thành lập khu giải phóng. Khu giải phóng chính thức được thành lập gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Tân Trào được chọn là thủ đô lâm thời của khu giải phóng. Hơn một triệu đồng bào trong khu giải phóng bắt đầu được hưởng thành quả cách mạng. Khu giải phóng là căn cứ địa chính của cách mạng cả nước, là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới lúc bấy giờ.

 Cây đa Tân Trào - biểu tượng cách mạng của thủ đô khu giải phóng. Tại đây, chiều 16-8-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó làm lễ xuất quân, lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: T.L

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương và ngay đêm hôm đó Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ mệnh lệnh khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1. Quân lệnh viết: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!... Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta...”.

Chiều ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu Quốc dân. Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Tại đại hội, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã đọc bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền, đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương. Trên cơ sở đó, đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng thời, đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhân dân cả nước đã vùng lên giành chính quyền. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, ở Hà Nội (19-8), Huế (23-8), Sài Gòn (25-8-1945)... Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”. Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, Nhật; đã lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

P.V (tổng hợp)