Từ nhà trọ xanh đến doanh nghiệp xanh: Nối lại sản xuất, an toàn phòng dịch

Thứ sáu, ngày 20/08/2021

(BDO) Với quyết tâm khôi phục sản xuất, bảo đảm “mục tiêu kép”, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Bình Dương đã và đang nỗ lực thiết lập mô hình 3 xanh: “Nhà máy xanh, DN xanh và công nhân xanh”. Với kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp.

 Sản xuất tại Công ty Phú Đỉnh (Cụm công nghiệp Thanh An, huyện Dầu Tiếng) trong mùa dịch bệnh

 Quyết tâm mở lại sản xuất

Đối với mô hình “DN xanh” và “Công nhân xanh”, chỉ cho phép hoạt động đối với các DN trong và ngoài khu, cụm công nghiệp khi bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng các quy định hiện hành. Đồng thời phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu, cụm công nghiệp, không được lơ là, buông lỏng, chủ quan, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Theo quy định này, DN phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm, liên hệ cơ quan cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm của từng người lao động. Đồng thời thông báo, gửi kết quả đến cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương sau mỗi lần xét nghiệm để phục vụ công tác hậu kiểm. DN chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động trước khi cho vào nhà máy sản xuất. Trong quá trình hoạt động, tổ chức test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp, thực hiện 5 ngày/lần. Đối với test nhanh do “DN xanh” cấp giấy xác nhận và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc xác nhận kết quả của từng người lao động trong DN.

Nóng lòng với việc tổ chức triển khai “mô hình 3 xanh”, ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc lao động Công ty Esprinta (Khu công nghiệp Sóng Thần 2) cho biết, để thực hiện phương án “3 xanh”, công ty đang tính toán sẽ yêu cầu người lao động ký cam kết chỉ di chuyển từ nhà đến công ty, không được đến điểm thứ ba trong khoảng thời gian bất kỳ. Thậm chí, sẽ hướng dẫn công nhân sử dụng các hình thức kết nối trực tuyến để mua sắm thực phẩm và các vật dụng cần thiết, bảo đảm đời sống của người lao động trong dịch bệnh. “Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ phía các địa phương và ngành y tế trong việc tạo điều kiện cho công nhân trở lại nhà máy làm việc, nhất là việc nhanh chóng thông báo kết quả xét nghiệm RT-PCR. Công ty sẵn sàng tổng hợp danh sách công nhân, người lao động gửi đến UBND cấp xã nơi công nhân, người lao động cư trú để được cấp giấy xác nhận đi đường theo hướng dẫn”, ông Thái chia sẻ.

Tăng cường vai trò của địa phương

Theo ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, với lợi thế là “vùng xanh” để chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại đối với các DN trú đóng trên địa bàn, chính quyền nỗ lực làm cầu nối trong việc giúp DN và các cơ sở kinh doanh nhà trọ tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng thuê và cho thuê trọ dài hạn theo hướng mỗi nhà trọ chỉ cho một DN thuê và 100% người thuê trong các dãy trọ làm chung một DN. Hướng đi này được đánh giá là giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở các khu trọ và nhà máy sản xuất; đồng thời cũng giúp các bên liên quan đạt được những lợi ích nhất định song vẫn còn đang gặp phải một số khó khăn. “Khảo sát thực tế tại địa bàn hiện đang khó khăn trong vấn đề sắp xếp công nhân trong một DN về ở cùng một nhà trọ. Chúng tôi đang nỗ lực vận động chủ trọ để tìm ra hướng giải quyết tốt trong thời gian tới”, ông Tuyên cho biết.

Ông Tuyên cũng cho rằng việc phát huy vai trò và tăng cường hoạt động của các tổ Covid cộng đồng, đặc biệt là tổ Covid ở các khu nhà trọ để nắm thông tin có liên quan đến từng người, từng hộ, từng phòng trọ, giám sát kỹ những người di chuyển ra vào khu vực, địa bàn, nhất là các đối tượng F0, F1 thuộc diện cách ly tại nhà là một giải pháp rất khả thi. Huyện Dầu Tiếng đang nỗ lực hướng dẫn các địa phương nhanh chóng thành lập tổ Covid cộng đồng trong các khu nhà trọ.

Dù dịch bệnh tại địa phương còn diễn biến phức tạp, song ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết việc tổ chức lại hệ thống nhà trọ theo hướng quy tụ, tập trung công nhân lao động làm việc cùng một DN về ở chung tại những dãy trọ nhất định được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tốt bài toán vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Thành phố sẽ sớm kết nối các DN và các cơ sở kinh doanh nhà trọ để thiết lập các khu “nhà trọ xanh”. Thành phố cũng sẽ cố gắng làm tốt việc khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh để hướng tới mục tiêu cho phép các DN mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại.

 UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thiết lập mô hình “Công nhân xanh” và “Nhà trọ xanh” phải chủ động phối hợp với “DN xanh” liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm, sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những công nhân cùng làm chung DN được ở chung phòng hoặc chung dãy. Nếu bảo đảm đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các công nhân của cùng nhà máy, DN ở chung khu nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề. Tại nơi cư trú, chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc hàng tuần theo quy định của ngành y tế cho tất cả các thành viên trong nhà ở, hộ gia đình, phòng trọ đang ở chung với công nhân, người lao động của “DN xanh”.

 TIỂU MY