Từ ngày 1-9-2020: Quy định về đăng ký khai sinh đơn giản hơn
(BDO) Ngày 1-9-2020, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gi a đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã có thay đổi nhiề u nội dung. Một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại nghị định này là bỏ hình phạt cảnh cáo khi đăng ký khai sinh muộn cho con.
Quyền khai sinh là một trong những quyền nhân thân quan trọng của mỗi người được pháp luật quy định và bảo vệ, tại Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền được khai sinh.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh. Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập. Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Đối với quy định cũ, cụ thể là theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định: “Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định”.
Người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện đúng thời hạn quy định sẽ bị phạt cảnh cáo. Trong đó, thời hạn đăng ký khai sinh cho con là 60 ngày kể từ ngày sinh con (Điều 15 Luật Hộ tịch 2014).
Tuy nhiên, tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh, tại Điều 37 của nghị định này quy định cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
- Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;
+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;
+ Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 điều này.
Như vậy, theo quy định tại Nghị định số 82 có hiệu lực kể từ ngày 1-9-2020, bãi bỏ quy định phạt cảnh cáo đối với việc đăng ký khai sinh muộn. Như vậy, cha mẹ đăng ký khai sinh muộn cho con sẽ không còn bị phạt.