Từ ngày 1-7-2014: Sẽ xử phạt những người đội mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận

Thứ tư, ngày 18/06/2014

Theo quy định của Nghị định 171 của Chính phủ, kể từ ngày 1-7-2014 người đi xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm (MBH) không đủ 3 bộ phận sẽ bị xử phạt.

Do đó, từ ngày 1-7, chiến dịch kiểm tra, xử lý người đi xe máy đội MBH không bảo đảm chất lượng được thực hiện trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, lực lượng chức năng chỉ xử phạt những người đi xe máy đội MBH không đủ 3 bộ phận, gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ. MBH không có tem và nhãn ghi “MBH cho người đi mô tô, xe máy” nhưng vẫn đủ 3 bộ phận như trên, sẽ không bị xử phạt. Bởi trong quá trình sử dụng, tem và nhãn của MBH có thể bị mờ hay mất đi hoặc trước đây, nhiều người mua MBH mà không biết quy định cụ thể này nên trước mắt, ngành chức năng không đặt vấn đề xử lý với những trường hợp MBH không tem, nhãn.

Bằng mắt thường người dân khó nhận biết được loại MBH nào là đạt chất lượng. Ảnh: P.LONG

Được biết, cũng từ 1-7, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với các cơ quan chức năng, Ban ATGT các tỉnh, thành triển khai chiến dịch ngăn ngừa người đi xe máy đội loại mũ không phải MBH để chấm dứt, không cho bày bán, lưu hành loại MBH này. Chiến dịch sẽ được triển khai đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành. Người đi xe mô tô, xe gắn máy đội mũ không phải MBH đều sẽ bị CSGT kiểm tra xử lý...

Theo quy định hiện hành, người đi xe mô tô, xe gắn máy đội MBH không đủ 3 bộ phận nói trên sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH, với mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Hành vi sản xuất, kinh doanh buôn bán và sử dụng MBH giả, mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe máy, xe máy điện cũng đã có các quy định chế tài và mức xử phạt cụ thể. Thời gian xử phạt được thực hiện từ ngày 1-7.

Trước đó, từ ngày 20-5 đến hết tháng 6-2014, các cơ quan, ban, ngành đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người đi mô tô, xe máy, xe máy điện không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải MBH. Bên cạnh đó trong thời gian này, cơ quan chức năng đã thực hiện việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh buôn bán MBH giả, mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe máy, xe máy điện. Đó là các cơ sở sản xuất, bày bán mũ có kiểu dáng bên ngoài giống MBH cho người đi mô tô, xe máy, xe máy điện nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu MBH đúng quy chuẩn chất lượng; các loại MBH không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu Việt Nam cũng vừa công bố kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới: trong số 200 mẫu MBH mới, có tem đạt chuẩn được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn 5 thành phố lớn ở Việt Nam để kiểm tra độ hấp thụ xung động (lực va đập vào MBH) thì chỉ có 39,5% đạt yêu cầu và trong 800 MBH đang sử dụng được đưa đi kiểm tra, chỉ có 15,8% đạt yêu cầu. Kết quả khảo sát này cho thấy, trên thị trường đang tồn tại số lượng MBH không đạt chất lượng khá lớn.

Cái khó hiện nay khi thực hiện xử phạt người đi xe mô tô, gắn máy đội MBH không đạt chất lượng theo Nghị định 171 của Chính phủ là lực lượng chức năng rất khó xác định MBH có đạt chất lượng hay không bởi người dân đội MBH cũng có vỏ mũ, có lớp đệm hấp thu xung động... nhưng phân biệt bằng mắt thường khó có thể biết được MBH đó có đạt chất lượng hay không?

 

PHI LONG