Từ ngày 1-1-2015: Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động
(BDO) “Tiền lương vừa là động lực, đòn bẩy kích thích người lao động (NLĐ) làm việc có năng suất, hiệu quả, vừa là phương tiện bảo đảm cuộc sống của họ. NLĐ rất vui mừng vì có thêm khoản chi tiêu khi biết sắp được tăng lương”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nói về việc quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2015. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phùng Trung về vấn đề này.
- Thưa ông, theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng tại Bình Dương được áp dụng như thế nào?
- Nghị định 103/2014/NĐ- CP ngày 11-11-2014 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Tại Bình Dương, theo nghị định, từ ngày 1-1-2015 áp dụng mức lương tối thiểu vùng như sau: Vùng I, mức 3.100.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, các TX.Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Vùng II, mức 2.750.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng.
Tăng lương tối thiểu sẽ giảm bớt khó khăn cho người lao động. Ảnh: TƯỜNG VY
- Như vậy, tỉnh sẽ tổ chức triển khai nghị định này như thế nào?
- Đầu tiên, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tập huấn cho đại diện hơn 800 DN, ban quản lý khu công nghiệp, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH 9 huyện, thị, thành phố và ngành công an. Buổi tập huấn hướng dẫn cụ thể nghị định, cách áp dụng tại DN, đơn vị. Sau buổi tập huấn, Phòng LĐ-TB&XH 9 huyện, thị, thành phố và ban quản lý khu công nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai nghị định tới ban giám đốc, công đoàn các công ty, DN trên địa bàn. Sau khi triển khai, ngày 15-1- 2015, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố báo cáo quá trình thực hiện việc tăng lương tại các DN.
- Theo ông, trong quá trình thực hiện nghị định có thể phát sinh những khó khăn, vướng mắc gì?
- Trong quá trình áp dụng nghị định, Bình Dương không gặp nhiều khó khăn, bởi việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng đã thực hiện nhiều năm nên các DN đã nắm rõ. Năm 2014, các DN đã tìm hiểu và có bước chuẩn bị từ trước về việc tăng lương cho NLĐ. Qua nhiều năm thực hiện, hầu hết các DN đều chấp hành tốt, chi trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên vẫn còn một số DN nhỏ tình hình kinh tế trong năm gặp khó khăn nên vô tình “lơ” việc tăng lương đúng quy định. Một vài trường hợp lợi dụng tăng lương để cắt phụ cấp trước đây của NLĐ.
- Vậy những DN vi phạm bị xử lý như thế nào? Theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này?
- Trước những vi phạm của các DN, sở sẽ đến thanh tra, kiểm tra xử phạt. Trong nghị định có quy định rõ các phụ cấp, hỗ trợ của DN đang thực hiện cho NLĐ khi tăng lương không được cắt giảm. Đánh giá kết quả thực hiện việc tăng lương cho NLĐ không chỉ cần sự quan tâm của công đoàn trong DN mà chính NLĐ cũng cần lên tiếng khi chế độ dành cho mình chưa được thực hiện.
Để thực hiện tốt nghị định, trước hết phải tăng cường huấn luyện kỹ năng thương lượng cho tổ chức công đoàn. Công đoàn các cơ sở sẽ đại diện NLĐ thương lượng với người sử dụng lao động xem xét nâng lương theo đúng quy định. Mức lương tối thiểu vùng có thể xem là mức lương thấp nhất nên trong quá trình thực hiện các DN có điều kiện nên chi trả cao hơn cho NLĐ để giữ chân, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, đóng góp phát triển DN.
- Xin cảm ơn ông!
THIÊN LÝ (thực hiện)