Từ Nam quốc sơn hà đến Tuyên ngôn độc lập- Bài 4
(BDO) Bài 4: Tuyên ngôn độc lập - kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do
Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba của dân tộc Việt Nam, sau Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Bản Tuyên ngôn đã kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc, khẳng định độc lập chủ quyền, ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng kế thừa giá trị tiến bộ của nhân loại; cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: T.L
Ngày 19-8-1945, khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Tân Trào (Tuyên Quang) về Hà Nội. Người ở và làm việc tại số nhà 48 phố Hàng Ngang. Tại đây, Bác đã soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, làm việc cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Ủy ban Giải phóng dân tộc, chuẩn bị cho ra mắt Chính phủ lâm thời và ngày lễ tuyên bố độc lập của đất nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Bản Tuyên ngôn độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Tuyên ngôn độc lập mở đầu cho kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây là văn kiện quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Những tư tưởng bất hủ trong bản tuyên ngôn được kết tinh từ trí tuệ Việt Nam, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cùng khát vọng cháy bỏng về nền độc lập, tự do của dân tộc. Tuyên ngôn độc lập còn kế thừa những tinh hoa, tiến bộ trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp. Ngay phần mở đầu Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chân lý lịch sử: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đó là sự khẳng định một cách rất rõ ràng về quyền của con người, cho dù con người đó được sinh ra từ đâu, vào thời điểm nào thì họ đều có quyền và được hưởng quyền con người, mà cụ thể là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là “những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Từ sự khẳng định về chân lý lịch sử đó và từ quyền của mỗi người, của mọi người, trong tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã “suy rộng ra” để nâng lên tầm cao mới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây là điều thật đặc sắc, Hồ Chí Minh với tầm nhìn thời đại, đã vượt lên trên các bản tuyên ngôn trước đó tư tưởng về nhân quyền - quyền của mỗi người nâng lên thành quyền dân tộc. Chính điều này mà Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã thể hiện giá trị thời đại sâu sắc. Bởi, nó không chỉ là bản tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam, mà đã trở thành tuyên ngôn về quyền độc lập, tự do của tất cả các dân tộc bị áp bức, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đây thực sự là một văn bản pháp lý rất hiện đại, một đạo luật mới của nhân dân thế giới, khẳng định quyền tự do, độc lập, bất khả xâm phạm của các dân tộc trên thế giới, kể cả những dân tộc nhỏ, yếu, đang bị áp bức.
Tuyên ngôn độc lập là bản cáo trạng đối với thực dân Pháp và phát xít Nhật - nguyên nhân chủ yếu gây ra nỗi thống khổ cho dân tộc Việt Nam. Trước quốc dân Việt Nam và thế giới, Tuyên ngôn độc lập đã lên án mạnh mẽ hành động cướp nước, chế độ thống trị hà khắc của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với dân tộc Việt Nam. Chúng đã ngụy biện cho hành động xâm lược của mình để rồi chà đạp và cướp đi quyền con người, quyền của một dân tộc; vì vậy mà người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam không có được cái quyền tất yếu đó. Khi phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương, thực dân Pháp còn hèn hạ quỳ gối đầu hàng để rước chúng vào đô hộ nước ta, làm cho nhân dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích. Trước đó, người dân vốn đã cực khổ trăm đường do thực dân Pháp gây ra, giờ đây lại càng cực khổ, nghèo nàn hơn, do chính sách dã man của Nhật, làm cho 2 triệu đồng bào ta chết đói trong năm 1945. Do vậy, bản cáo trạng đanh thép đó đã giúp nhân dân ta thấu hiểu hơn nguyên do của sự đói khổ, đau thương là chính sách lừa bịp, đàn áp, bóc lột dã man của chế độ thực dân, phát xít. Từ đó, tận dụng thời cơ “có một không hai” - Nhật đầu hàng Đồng minh, bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước độc lập, tự do của dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây thực sự là thành quả vĩ đại của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã đánh đổ các xiềng xích của thực dân gần 100 năm để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập và đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập mà nhân dân ta đã giành được. “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời kết thúc Bản Tuyên ngôn đã khẳng định đanh thép ý chí, quyết tâm của dân tộc, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ thành quả quý giá, lớn lao nhất, đó là quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại của một dân tộc, quốc gia độc lập. Tư tưởng đó đã củng cố ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi cho nền độc lập, tự do trọn vẹn ấy của dân tộc. Nhờ đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã kiên trì thực hiện cuộc trường chinh 30 năm (1945-1975) đầy hy sinh, gian khổ và anh dũng để chiến đấu đánh bại hai đế quốc lớn - Pháp và Mỹ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tiếp đó lại kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó chính là ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi nền độc lập, tự do trọn vẹn cho dân tộc đã khẳng định trong Tuyên ngôn, được cụ thể hóa bằng tinh thần bất diệt: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; bằng chân lý lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Quán triệt và kế thừa tư tưởng độc lập, tự chủ của Tuyên ngôn độc lập, chúng ta phải luôn giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối chính trị, đường lối phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, cần tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước trên cơ sở vật chất - kỹ thuật, khoa học - công nghệ hiện đại, sản xuất hàng hóa nội địa có chất lượng cao, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bằng chính khả năng của đất nước. Qua đó, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển bảo đảm đúng định hướng và tính độc lập, tự chủ cao. Từ đó, tạo tiềm lực quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đồng thời, kiên định, sáng tạo xử lý, đấu tranh bảo vệ các lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, nhằm giữ gìn môi trường hòa bình cho công cuộc đổi mới hiện nay.
73 năm đã qua, những tư tưởng bất hủ của Tuyên ngôn độc lập tiếp tục định hướng cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt, trước tình hình thế giới và trong nước hiện có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. (còn tiếp)
Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập mà nhân dân ta đã giành được. “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời kết thúc Bản Tuyên ngôn đã khẳng định đanh thép ý chí, quyết tâm của dân tộc, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ thành quả quý giá, lớn lao nhất, đó là quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại của một dân tộc, quốc gia độc lập. Tư tưởng đó đã củng cố ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi cho nền độc lập, tự do trọn vẹn ấy của dân tộc.
P.V (tổng hợp)