Từ làng Sen đến Chiến khu Việt Bắc: Bác Hồ ở ATK
> Bài 1: Tháng năm về thăm quê Người
Bài 2: Bác Hồ ở ATK
Tháng năm, một mùa hè nữa đang tới. Lửa cách mạng từ quá khứ vọng về làm nức lòng con dân nước Việt đã hòa cùng với ngọn lửa yêu nước hôm nay đang bùng lên, khi ngoài khơi xa biển Đông dậy sóng! Chúng tôi, những nhà báo trẻ, trong những ngày sục sôi này đang tìm về những dấu tích một thời hoạt động của Bác Hồ với niềm tin sắt đá: không thế lực nào có thể ngăn cản được lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Tin rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, có tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi và sự đoàn kết một lòng của nhân dân thì chính nghĩa và đạo lý sẽ chiến thắng.
Đường vào ATK Định Hóa, Thái Nguyên
Vùng đất in dấu lịch sử
Tạm biệt làng Sen quê hương Bác Hồ một chiều lộng gió, chúng tôi tiếp tục hành trình lên An toàn khu (ATK) Thái Nguyên. Tháng 5 này, quê hương Việt Bắc vui như ngày hội. Ở Thái Nguyên còn vui hơn- những niềm vui đón chào các sự kiện lớn của dân tộc. Đường vào ATK Định Hóa vách núi dựng đứng, vực sâu thăm thẳm, hoa rừng nở muôn màu khoe sắc, mùa trái cọ đang chín tỏa hương thơm dịu dàng… cảm nhận như núi rừng Thái Nguyên đang hiện lên một bức tranh mùa xuân tươi mới.
Chúng tôi ghé thăm đồi Khau Tý, ở xã Điểm Mặc, huyện Định Hóa, nơi ngày 20- 5-1947 Bác Hồ đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên, khởi đầu chặng đường “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Các cụ cao niên nơi đây nhớ lại: Sau khi thoát khỏi ngục tù Quốc dân đảng, Bác Hồ về nước đã cùng với bộ tham mưu đi khắp các miền nằm trong vùng ATK, thuộc Chiến khu Việt Bắc để hoạt động, chỉ đạo kháng chiến. Bác đi từ huyện Định Hóa qua Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), chợ Đồn (Bắc Kạn) và cuối cùng trở về ATK Định Hóa ở và hoạt động lâu nhất. Đồi Khau Tý là nơi Bác đặt trụ sở làm việc đầu tiên. Các quyết sách lớn của Chính phủ đều quyết định trên đất Định Hóa, như: Hạ quyết tâm tiêu diệt địch tấn công lên Việt Bắc (1947); quyết định triển khai chiến thuật Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung trên toàn quốc; quyết định chiến lược biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta…
Đồi Khau Tý rộng khoảng 3 ha nằm bên những cánh đồng Thẩm Doọc, Nà Lạng, Nà Tra. Đồi cao cách mặt ruộng khoảng 15m, xung quanh xanh ngát cây vầu, cọ, có suối Đình chảy quanh e ấp dáng vẻ như một nàng sơn nữ. Từ đây có đường mòn ra Quảng Nạp, đi Phú Minh sang huyện Đại Từ hoặc ra chợ Chu ngược lên chợ Đồn… thật là một nơi địa lợi nhân hòa, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại đèo De, ATK Định Hóa
Chúng tôi đến Khau Tý cũng là lúc từng đoàn du khách trong và ngoài nước đang đến đây thăm viếng. Căn nhà lá Bác ở nay vẫn còn nguyên vẹn, khiến nhiều du khách bùi ngùi cảm động. 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, từ ngày tạm biệt làng Sen, quê hương Người xuống tàu ra đi… với biết bao thăng trầm vất vả, đầu năm 1941 Người trở về, với cương vị là Chủ tịch nuớc nhưng cuộc sống vẫn mộc mạc giản dị. Mọi người đứng trầm ngâm bên Phủ Chủ tịch không phải là tòa nhà cao sang mà chỉ là căn nhà lợp lá rừng.
Câu chuyện của ông chủ tịch…
Theo lời kể của ông Ma Đình Tương, nguyên Chủ tịch huyện Định Hóa: Tháng 5-1947, ông Tương được anh Nhất, bảo vệ của Bác Hồ cho biết: “Ông Ké” sắp về đây, tôi gặp ông để bàn việc chuẩn bị đón Bác. Nghe anh Nhất nói vậy, ông Tương liển cho mọi người sửa chữa lại căn nhà mới dựng trên đồi Khau Tý. Sau khi về ở và làm việc tại đây, Bác gặp ông Tương và hỏi: Ông Chủ tịch huyện cho tôi biết tình hình: các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh được tổ chức như thế nào? Các phụ lão có hăng hái tham gia công tác kháng chiến không? Đã tổ chức Đoàn, Đội cho các cháu thanh thiếu niên chưa? Sau khi nghe ông Tương báo cáo, Bác nói: Tình hình các mặt trong huyện được như thế là khá tốt.
Nhưng có ông cán bộ huyện nhà giết trâu làm ma cho bố vợ thì được, đến khi người dân có việc như thế xin thì lại không cho, dân người ta oán đây. Có ông bác sĩ chữa bệnh cho một bà ở chợ Chu lấy tới 600 đồng, thật là quá. Nói rồi Bác nhìn ông Tương cười, nhắc nhở: Chủ tịch huyện bây giờ không phải như tri phủ, tri huyện ngày xưa đè đầu, cưỡi cổ người dân… Từ tôi là Chủ tịch nước đến ông chủ tịch xã đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Rồi Bác giao nhiệm vụ cho ông Tương: Sắp tới Pháp có thể đánh rộng ra, ta phải chuẩn bị, củng cố dân quân du kích, phải giúp đỡ, phối hợp với bộ đội tuần tra, canh gác và sẵn sàng chiến đấu…
Trong chuyến đi công tác dài ngày viết về “Chiến thắng Điện Biên Phủ” và “Bác Hồ ở ATK”, mảnh đất Thái Nguyên đã cho chúng tôi nhiều cảm nhận thú vị. Một vùng đất sơn thủy hữu tình và giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử in dấu buổi ban đầu hoạt động cách mạng của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Đến với ATK, du khách len qua những cây vầu lưa thưa dưới ánh mặt trời chiếu xiên đẹp như một bức tranh. Vào mùa mưa, chỉ cần gạt một lớp đất mỏng sẽ lộ ra những búp măng lá tím, bẹ vàng mà chỉ nhìn là muốn nhai sống. Chúng tôi đã được những người bạn nơi đây làm món măng xào cháy cạnh hay luộc chấm mẻ… ăn rồi thì không thể quên. Đến thác 7 tầng Khuôn Tát, thăm Nhà trưng bày ATK, Di tích Bác Hồ ở Tỉn Keo, Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đèo De, thưởng thức điệu hát Then của thiếu nữ đồng bào nơi đây… đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, ATK Định Hóa hôm nay như đang khoác lên màu áo mới. Đời sống bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao… thay đổi rõ rệt, nhà nào cũng có điện thoại, tivi…
Trong tương lai, vùng đất kiên cường này còn hứa hẹn nhiều triển vọng, khi mà Đảng và Nhà nước đang có sự quan tâm nhằm đưa vùng đất này trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn, là nơi về nguồn của các thế hệ người dân Việt Nam.
Tạm biệt ATK Định Hóa, tạm biệt thủ đô gió ngàn - vùng đất anh hùng đã đi vào sử sách của dân tộc, ngày mai chúng tôi lại lên đường đến Cao Bằng, cũng là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Bài cuối: Cao Bằng - Nơi in dấu chân Người
KIẾN GIANG - THÀNH SƠN