Từ Hiệp định Paris đến “đòn trinh sát chiến lược”

Thứ hai, ngày 05/01/2015

Thất bại trong chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố kéo dài chiến tranh bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cực kỳ tàn ác và thâm độc. Trong những năm 1969-1970, cách mạng miền Nam chịu nhiều tổn thất và gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã nêu cao ý chí, quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

(BDO)

Tượng đài chiến thắng Phước Long. Ảnh: TL

Chiến thắng trong trận đầu đánh Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam) ngày 26-5-1965, chiến thắng Vạn Tường (Quảng Ngãi) tháng 8-1965, tiếp đó là những thắng lợi trong chiến dịch mùa khô 1965-1966, 1966- 1967 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm thất bại chiến tranh cục bộ, buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.

Tuy nhiên, sau Hiệp định Paris, đế quốc Mỹ vẫn tăng cường viện trợ về quân sự và kinh tế cho chính quyền Sài Gòn, tiếp tục thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Về phía ta, để từng bước giành thắng lợi trong nửa cuối năm 1973 và cả năm 1974 cùng với việc gấp rút củng cố và phát triển lực lượng tại chỗ trên chiến trường, Đảng ta đã chỉ đạo tăng cường chi viện từ hậu phương miền Bắc. Đến cuối năm 1974, việc chuẩn bị về mọi mặt đã tạo nên sự chuyển biến căn bản trong thế và lực của quân ta trên chiến trường. Có thể nói việc Hiệp định Paris được ký kết là một bước ngoặt quan trọng cho những sự kiện diễn ra sau đó. Thắng lợi từ việc ký kết Hiệp định Paris là một lợi thế vô cùng lớn trên mặt trận chính trị ngoại giao lúc bấy giờ và từ thắng lợi này đã góp phần mang lại lợi thế cho ta trên mặt trận quân sự.

Chiến sĩ Quân đoàn 4 cắm cờ trên Dinh tỉnh trưởng Phước Long lúc 10 giờ 30 phút ngày 6-1-1975. Ảnh: TL

Mùa khô 1974-1975, chiến trường miền Nam đã có sự chuyển biến quan trọng. Ngụy quân thay vai trò quân Mỹ không đủ sức đương đầu với quân giải phóng. Kết hợp với mặt trận chính trị và ngoại giao, lực lượng cách mạng đang thắng thế. Mục tiêu “đánh cho ngụy nhào” đã hiện ra trước mắt. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình: “Ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi, tạo nên những yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”.

Trở lại thời điểm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ bắt đầu rút quân, Đảng ta đã phân tích, nhận định: Khả năng Mỹ đưa quân trở lại miền Nam là khó có thể xảy ra khi ta đánh lớn. Tháng 8-1973, Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Quyết tâm của Bộ Chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược cơ bản 2 năm 1975- 1976. Cụ thể, năm 1975 tranh thủ bất ngờ, tiến công rộng khắp tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng thời Bộ Chính trị cũng dự kiến một kế hoạch khác là nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Bằng các nguồn thông tin do tình báo chiến lược cung cấp, Đảng ta quyết định “đánh đòn chiến lược” bằng việc mở chiến dịch đường 14-Phước Long vào cuối tháng 12-1974 đầu tháng 1-1975. Chiến dịch đường 14-Phước Long được mở nhằm đánh giá khả năng phản ứng của địch, làm sáng rõ hơn những cơ sở vững chắc để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, trong đó tâm điểm của chiến dịch là TX.Phước Long.

Phước Long là một tỉnh nằm cách Sài Gòn 100km về phía Đông Bắc, có vị trí như một chiếc cầu nối giữa Nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ. Riêng TX.Phước Long nằm trên dãy đồi cao phía Tây Bắc núi Bà Rá, rộng khoảng 2km2 với dân số vào khoảng 33 ngàn dân (năm 1975). Bao quanh thị xã về phía Bắc và Đông là sông Bé, bờ sông dốc đứng. Phía Tây và Nam là khu đồi Sơn Giang, suối Dung và hồ Long Thủy sình lầy, rậm rạp. Thị xã nhỏ nhưng được xây dựng vững chắc, công sở, nhà dân đều làm bằng gạch, xi măng. Quân địch đóng trong thị xã được tổ chức phòng thủ nhiều tầng, vững chắc, có trọng điểm; muốn đánh chiếm thị xã phải chuẩn bị nhiều ngày, đột phá từ ngoài vào và vận dụng hình thức tác chiến thành phố. Chính vì vậy địch rất chủ quan, thậm chí sau khi ta tiêu diệt hai chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài và yếu khu Bù Na, cô lập tiểu khu Phước Long, địch tuy có hoang mang, dao động nhưng vẫn cho rằng ta chưa có đủ khả năng đánh chiếm thị xã.

Trong cuộc họp các tướng lĩnh ngụy Sài Gòn ngày 17-12- 1974, tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, vẫn khẳng định với cấp trên của y rằng: “Tình hình Phước Long sôi động, nhưng đó không phải là trọng điểm tiến công của Việt cộng, trọng điểm vẫn là Tây Ninh”. Lợi dụng những phán đoán sai lầm của địch, ta nhanh chóng tiêu diệt chi khu Phước Bình và điểm cao Bà Rá và khẩn trương hình thành thế trận tiến công TX.Phước Long. Đêm 1-1-1975, các đơn vị của Quân đoàn 4 đã đến vị trí xuất phát xung phong. Phía Nam là Trung đoàn 165; phía Tây là Trung đoàn 141; phía Đông là Trung đoàn 271; phía Đông Bắc là Trung đoàn 16; phía Tây Bắc là Trung đoàn 201. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) đứng ở phía sau làm lực lượng dự bị cùng một số đơn vị pháo binh, xe tăng và phòng không.

Trong thời gian 6 ngày với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bộ đội chủ lực của ta với sự quyết tâm cao độ đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nhân dân nhanh chóng tiêu diệt địch, làm chủ hoàn toàn TX.Phước Long. Bị mất Phước Long nhưng Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chỉ phản ứng hạn chế. Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho tuyên bố: Mỹ không có hành động nào ngoài việc viện trợ bổ sung cho Sài Gòn và sẽ không can thiệp vào miền Nam Việt Nam nếu xét thấy không phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ… Như vậy, “Đòn trinh sát chiến lược” đã cho đáp số đúng với nhận định của Đảng ta là Mỹ không còn khả năng quay trở lại, đó là cơ sở rất quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm, nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

TRÍ DŨNG