Tự hào với những giai điệu “vùng lên”

Thứ năm, ngày 18/06/2020

(BDO) Khắp nơi trong tỉnh đã và đang phấn khởi và nghiêm túc thực hiện các quy định mới của Ban Tuyên giáo Trung ương về hát Quốc ca, Quốc tế ca trong lễ chào cờ tại đại hội Đảng các cấp.


Các đảng viên Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hát Quốc ca, Quốc tế ca tại Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

Đến dự đại hội Đảng một số nơi trong tỉnh cùng hát Quốc ca, Quốc tế ca với các đảng viên, chúng tôi có dịp cảm nhận sâu sắc hơn những giai điệu hào hùng của những khúc hát “vùng lên” này. Trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ rất chân thành về cảm xúc khi hát Quốc ca, Quốc tế ca của các đảng viên là văn nghệ sĩ, chúng tôi lại càng tin yêu hơn về sự nhiệt huyết và tình cảm của họ dành cho Đảng.

Với mỗi người Việt Nam, chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Tinh thần của bài hát Quốc ca đã ngấm vào máu mỗi người từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, mỗi khi hát Quốc ca, chúng ta đều hát từ trái tim và dâng trào một mạch cảm xúc.

Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian/ Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn/ Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi/ Quyết phen này sống chết mà thôi…” (trích trong bài Quốc tế ca). Cảm nhận bài hát Quốc tế ca và chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Tằm, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết theo quy định mới của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngoài hát Quốc ca, tất cả mọi người tham dự đại hội Đảng đều phải hát Quốc tế ca. Sau thời gian tập luyện và hát cùng các đảng viên trong Đảng bộ, chị cảm thấy rất tự hào và có cảm nhận từng giai điệu trong Quốc tế ca rất hào hùng. Qua đó, chị thấy mình cần phải phấn đấu nhiều hơn để cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Có dịp tìm hiểu về Quốc tế ca, chúng tôi hiểu thêm ý nghĩa của những giai điệu hào hùng trong bài hát. Quốc tế ca (nguyên bản tiếng Pháp: L’Internationale) là bài hát được nhiều người hát, được dịch ra hơn 80 ngôn ngữ. Nguồn gốc ra đời của bài hát là từ Công xã Paris (1871). Quốc tế ca từ bài ca chiến đấu của phong trào công nhân Pháp đã lan rộng sang các nước khác và trở thành bài ca chính thức của giai cấp vô sản toàn thế giới, là tiếng kèn xung trận tuyên chiến với giai cấp tư sản.

Với cách mạng vô sản ở Việt Nam, Quốc tế ca đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ, sau khi thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên - Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - dịch ra tiếng Việt theo thể lục bát đăng trên tờ báo Thanh Niên. Những chiến sĩ cách mạng luôn luôn cất cao tiếng hát chân lý ấy trong những giờ phút thử thách ác liệt nhất, nêu khí tiết của người cộng sản dù là ở xà lim án chém vẫn giữ trọn lời thề suốt đời vì Tổ quốc và lý tưởng cộng sản. Hình ảnh mãi ghi vào lịch sử giải phóng dân tộc là Nguyễn Thị Minh Khai, người nữ đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1940 bước lên máy chém của giặc Pháp với tiếng hát Quốc tế ca bất hủ, để lại giữa lòng thương tiếc của toàn dân một sự cảm phục sâu sắc và một lòng căm thù sục sôi đối với thực dân đế quốc xâm lược.

Theo nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, hát Quốc ca, Quốc tế ca trong lễ chào cờ làm cho buổi lễ thêm trang trọng và mỗi người đều cảm nhận được sự thiêng liêng khi hát cùng các đồng chí đảng viên dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 1-4-2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Công văn số 8355-CV/BTGTW thống nhất một số nội dung về thực hiện nghi lễ và tuyên truyền đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó có hướng dẫn về thực hiện nghi lễ chào cờ trong tổ chức đại hội Đảng. Theo đó, tất cả mọi người tham gia chào cờ đứng nghiêm, hướng về Quốc kỳ, cờ Đảng và hát Quốc ca (sử dụng nhạc và lời một bài hát Tiến quân ca), Quốc tế ca (sử dụng nhạc và lời do nhạc sĩ người Pháp là Pierre Degayter phổ nhạc năm 1888).

 THỤC VĂN