Tự hào và khát vọng
(BDO) Thành tích đáng tự hào
Những ai quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT đều nhận thấy sự phát triển vượt bậc của ngành trong mấy mươi năm qua. Có thể thấy, sự đổi thay rõ nét nhất là từ năm 2011, khi toàn ngành thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Ông Nguyễn Văn Lộc (giữa), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tuyên dương các giáo viên khối tiểu học tại lễ tuyên dương “Giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu” tỉnh Bình Dương lần thứ VI - 2022. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết ngành đã tích cực thực hiện quy hoạch phát triển ngành GD-ĐT bằng các đề án, kế hoạch theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Điểm nhấn của ngành GD-ĐT trong giai đoạn đổi mới là nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT còn thực hiện đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, giai đoạn 2012-2017 trên địa bàn tỉnh”. “Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, ngành GD-ĐT tỉnh không ngừng tăng cường đầu tư phát triển về mọi mặt, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “hai không” nhằm xây dựng nề nếp học thật - thi thật trong toàn ngành, thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể của tỉnh đến năm 2025, đưa Bình Dương trở thành đô thị công nghiệp, dịch vụ phát triển, nông nghiệp đô thị bền vững.
Đến nay, ngành GD-ĐT tỉnh nhà có 145 cán bộ, giáo viên, nhân viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; hơn 3.600 thầy cô giáo nhận huy chương, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Những người đã và đang gắn bó với ngành GD-ĐT tỉnh Sông Bé - Bình Dương chắc hẳn đều cảm thấy tự hào về bề dày truyền thống và lịch sử vẻ vang của giáo dục tỉnh nhà”. (Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT) |
Nhìn lại khoảng thời gian đã qua cho thấy trong giai đoạn 2011- 2021, ngành GD-ĐT tỉnh nhà tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh về mạng lưới trường lớp ở các cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Đến nay, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tiên tiến được quan tâm đầu tư. Theo đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng tăng theo thời gian. Đến ngày 30-7-2022, toàn ngành có 731 trường, trung tâm. Ngoài ra, còn có 128 trung tâm, 8 cơ sở hoạt động giáo dục kỹ năng sống và 4 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Việc thực hiện phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu đột phá đổi mới của ngành GD-ĐT tỉnh. Từ năm 2011, ngành đã xây dựng đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2011-2015”. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn đào tạo tăng lên đáng kể ở tất cả các cấp học. Từ chỗ năng lực sư phạm được nâng lên, thầy cô đã tiếp cận nhanh với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Trường lớp được đầu tư, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp được chuẩn hóa, chất lượng giáo dục của tỉnh ngày càng được nâng cao. Ban Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá toàn ngành đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS); kết hợp đa dạng các hình thức dạy học, hướng tới tổ chức dạy học theo chủ đề và xây dựng kế hoạch dạy học theo từng môn học, quan tâm đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá.
Liên tục đổi mới, qua mỗi năm học, chất lượng GD-ĐT được nâng lên, số lượng HS đạt thành tích cao trong các kỳ thi HS giỏi, thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng. Đáng chú ý, năm 2021, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 99,31%, Bình Dương đứng đầu cả nước về điểm trung bình chung các môn thi tốt nghiệp. Đặc biệt, năm học 2021-2022, Bình Dương mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm duy trì chất lượng, ngành GD-DT đã thực hiện “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, “tận dụng thời gian vàng” để dạy học trực tiếp. Với những giải pháp chủ động, linh hoạt, cũng như quyết tâm và nỗ lực cao của toàn ngành, hầu hết các chỉ tiêu năm học 2021-2022 đều đạt so với kế hoạch đề ra. Kết quả, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 99,74%, xếp thứ 3 trên cả nước và đứng đầu các tỉnh phía Nam. Trong đó, có nhiều môn vượt hạng và vượt điểm trung bình hơn so với năm học trước, như môn tiếng Anh, ngữ văn, toán... Kết quả thi HS giỏi THPT cấp quốc gia đạt 34 giải, tăng 2 giải so với năm học 2020-2021.
Khát vọng vươn lên
Dạy học là nghề cao quý nhất trong số những nghề cao quý. Với sứ mệnh “trồng người”, mấy mươi năm qua, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã đem tất cả công sức, tâm huyết, trí tuệ, góp phần xây dựng nên diện mạo của giáo dục Bình Dương hôm nay. Vẫn chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, từng nhà giáo vẫn còn đó khát vọng vươn lên.
Trong suốt thời gian qua, đội ngũ những người làm công tác giáo dục tỉnh đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp “trồng người”. Trong ảnh: Ông Nguyễn Lộc Hà (bìa trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo năm 2020
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025, nội dung đột phá: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại” đã được đại hội thống nhất xác định là 1 trong 4 chương trình đột phá của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở nội dung đột phá về lĩnh vực GD-ĐT cũng như để đạt được mục tiêu đề ra, ngành GD-ĐT tỉnh đã định hướng phát triển ngành trong giai đoạn 2022-2025, giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến 2050.
Giai đoạn 2022-2025, ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29 khóa XI; củng cố, tăng cường và phát triển nguồn nhân lực ngành GD-ĐT Bình Dương giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030 nhằm bảo đảm đầy đủ đội ngũ có chất lượng để thực hiện thành công chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông năm 2018, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động dạy học và quản lý giáo dục; tăng cường chất lượng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Ngành cũng xây dựng kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 08/CTr-UBND ngày 15-10-2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
HỒNG THÁI