Tự hào nối tiếp truyền thống vẻ vang
(BDO) Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh dù có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, song ở giai đoạn nào ngành tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh cũng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi chung của toàn tỉnh.
Truyền thống vẻ vang
Năm 2024, đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một, nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương (10.5.1949 - 10.5.2024). Ôn lại những chặng đường vẻ vang của ngành tuyên huấn Thủ Dầu Một - Bình Dương qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức được rằng: Công tác tư tưởng có tầm quan trọng hàng đầu, là một bộ phận hợp thành chủ yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có phần đóng góp tích cực của công tác tư tưởng.
Các thế hệ cán bộ ngành tuyên giáo của tỉnh tổ chức về nguồn tại Khu di tích lịch sử rừng Kiến An
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, ngày 10-5-1949, thay mặt Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Duy Hanh, Bí thư Tỉnh ủy ký quyết định thành lập 3 ban chuyên môn trực thuộc cấp ủy, trong đó có Ban Tuyên huấn. Trải qua các giai đoạn cách mạng từ năm 1930 đến nay, công tác tuyên huấn - tuyên giáo luôn giữ vai trò chủ yếu trong việc tạo sự thống nhất trong tư tưởng, ý chí, hành động; là nhân tố tạo nên nguồn sức mạnh đặc biệt trong mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng và xây dựng Đảng. Trong những thời điểm khắc nghiệt của chiến tranh, những cuộc khủng bố, vây ráp dai dẳng của kẻ thù; những trận mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học, đói rét, bệnh tật, thiếu thuốc điều trị cũng không thể lung lay được ý chí, tinh thần người cán bộ tuyên huấn; không thể xóa được phiên hiệu ngành tuyên huấn của Đảng.
Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo” nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở, toàn ngành đã có gần 80 mô hình hay, cách làm hiệu quả ở các lĩnh vực như công tác lý luận chính trị, lịch sử Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dư luận xã hội; công tác tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, báo chí xuất bản, thông tin đối ngoại; công tác khoa giáo và tổng hợp… |
Địch càng bao vây, khủng bố nhằm bóp nghẹt công tác tuyên truyền cổ động công khai của ta, chúng ta càng có những phương pháp tuyên truyền, cổ động bí mật, chống lại địch. Cũng như quân đội cần có những binh công xưởng để sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, đạn dược, thì ngành tuyên huấn cũng phải xây dựng nhà in dù buổi đầu còn thô sơ nhưng cũng đủ khả năng sản xuất vũ khí tinh thần cho mặt trận chính trị tư tưởng. Nhà in dù kỹ thuật còn thô sơ, điều kiện làm việc và cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng đã phấn đấu nỗ lực đủ sức in báo, tin tức, truyền đơn, khẩu hiệu kịp thời, đưa về tận cơ sở. Sự xuất hiện truyền đơn cách mạng, báo chí bí mật đã gây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự phát triển của cách mạng, của Đảng bộ địa phương. Đoàn văn công xung kích với đội hình gọn nhẹ đến biểu diễn cho đồng bào nhiều nơi vùng bị tạm chiến. Các đội chiếu phim lưu động phục vụ các đơn vị bộ đội, phục vụ nhân dân vùng chiến khu đã động viên bộ đội chiến đấu hăng say, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng và đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Những lần bị địch bắn pháo, cán bộ, diễn viên vừa làm công tác dân vận, vừa tiếp tục biểu diễn trước sự khâm phục của đông đảo người dân. Chính niềm tin ấy đã tạo nên sức mạnh tinh thần để chiến đấu và chiến thắng.
Tháng 4-1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều cán bộ nhân viên của Ban Tuyên huấn tỉnh được phân công ra tuyến trước cùng với các ngành thực hiện công tác tuyên truyền vận động quần chúng nổi dậy, góp phần cùng với lực lượng vũ trang giải phóng quê hương.
Qua những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến, đã có không ít cán bộ, chiến sĩ của ngành tuyên giáo tỉnh nhà đã anh dũng hy sinh hoặc đã gửi một phần cơ thể mình vào lòng đất mẹ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số liệt sĩ của ngành là trên 130 đồng chí, bao gồm đủ các bộ phận.
Chủ động, đổi mới, sáng tạo
Nối tiếp và phát huy truyền thống vẻ vang của Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một năm xưa, thời gian qua, ngành tuyên giáo của tỉnh đã phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đặc biệt năm 2023, đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung hoạt động, phương thức, phương pháp làm việc của ngành tuyên giáo của tỉnh. Ngành đã bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nâng cao khả năng dự báo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; xác định chương trình công tác trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ.
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt và sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền…
“Thời gian tới, ngành tuyên giáo của tỉnh sẽ tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả đã triển khai trong thời gian qua; đồng thời rà soát, lựa chọn tên gọi, xây dựng tiêu chí từng mô hình trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các mô hình hay, cách làm hiệu quả”, bà Trương Thị Bích Hạnh cho biết.
Song song đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh đã chủ động, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nhất là trên không gian mạng. Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tăng cường trách nhiệm và sự chủ động của các thành viên, nhóm chuyên gia, tổ thư ký Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng, báo chí, cán bộ, đảng viên trong việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh cũng như tham gia đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.
Với vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, ngành tuyên giáo của tỉnh đang tiếp tục chủ động, sáng tạo để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, hiện đại, đáng sống và nghĩa tình…
THU THẢO