Tự hào những người mẹ anh hùng

Thứ bảy, ngày 30/08/2014

Nhiều mẹ trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện với kẻ thù. Sự cống hiến, hy sinh của các mẹ là vô bờ bến, không gì có thể cân đo đong đếm được.

(BDO)  

 
  Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Từ (trái) trao quà cho mẹ VNAH Nguyễn Thị Đấm (khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng) dịp 27-7-2014 . Ảnh: T.LÝ

 Hy sinh thầm lặng

Chiến tranh đi liền với sự khốc liệt, là ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Những khó khăn, vất vả trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đều gắn liền với cuộc đời các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”, những ngày chồng con ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lànhững ngày mẹ chờ mong. “Giờ đây sức khỏe đã yếu nhưng mỗi lần thức dậy, bà lại chống gậy ra trước cửa chờ mong tin chồng con. Bà thầm gọi tên chồng con rồi rơi nước mắt”, chị Nguyễn Thị Ngọc Cẩm - cháu mẹ VNAH Nguyễn Thị Anh (SN 1916, xã Long Tân, Dầu Tiếng) tâm sự. Nghe câu chuyện của chị, chúng tôi càng cảm nhận nỗi nhớmong của các mẹ khi chồng, con ra đi không hẹn ngày trở lại.

Những người phụ nữ có gia đình đều khao khát được sống bên chồng bên con. Thế nhưng chiến tranh đã làm cho biết bao người vợ phải xa chồng, mẹ phải xa con. Lấy chồng hơn 3 năm, mẹ VNAH Nguyễn Thị Rực (SN 1933, phường Phú Lợi, TP.TDM) không biết chồng hoạt động cách mạng. Ngày cưới với vài miếng trầu cau đã nên nghĩa vợ chồng. Cưới xong, chồng mẹ - ông Lê Văn Đực (SN 1930) liên tục đi xa với lý do làm kinh tế. Sau đó, mẹ đau đớn nhận được tin chồng hy sinh.

Mẹ VNAH Phạm Thị Miếng (SN 1916) đang sống tại khu phố 4, phường Tân Định, TX.Bến Cát cũng đang đau đáu về sự hy sinh của hai người con. Mẹ Miếng luôn ăn không ngon ngủ không yên khi hài cốt hai con của mẹ hy sinh không tìm thấy xác. Mẹ buồn nói: “Giờ mẹ đã già, sức đã cạn nhiều lúc muốn đi tìm hài cốt các con về bên mẹ cũng không đi nổi. Giờ đến khi nhắm mắt, mẹ chỉ mong được gặp các con dù là hũ cốt”. Phát huy truyền thống yêu nước căm thù giặc của gia đình, các con của mẹ cũng lên đường theo tiếng gọi của Đảng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Các anh ra đi chỉ kịp gửi mẹ nụhôn tạm biệt và câu nói với lại “đợi con trở về”. Suốt mấy mươi năm, mẹ luôn gìn giữlời hứa của con. Ngày ngày đứng trông mong “sao thằng Công, thằng Tâm lâu vềquá!”. Cuộc chiến tranh tàn khốc đã đẩy biết bao bà mẹ vào tình huống nghiệt ngã. Ngày nhận tin con hy sinh, lòng mẹ quặn thắt. Hy sinh, mất mát là thế, nhưng những người mẹ vẫn kiên cường, gạt nước mắt vào lòng, một lòng một dạ theo cách mạng. Không chỉ động viên chồng, con trực tiếp cầm súng chống giặc, nhiều mẹ còn tham gia đấu tranh trực diện với kẻ thù, làm tròn nhiệm vụ một hậu phương vững chắc.

Hậu phương vững chắc

Trong những giây phút hiểm nguy trước họng súng, lưỡi lê của giặc, dù bị những đòn tra tấn của kẻ thù hung bạo, các mẹ vẫn luôn mưu trí, dũng cảm, giữ vững khí tiết cách mạng. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhương (xã Long Nguyên, Bàu Bàng), trước khi lấy chồng, mẹ đã làm trong Ban Chấp hành phụ nữ xã Lai Hưng. Lấy chồng, mẹ tiếp tục vừa hoạt động mật vừa làm kinh tế nuôi con. Nhận được tin cả chồng và con trai đã hy sinh, dù lòng đau như cắt, nhưng mẹ vẫn kìm nén để động viên các con tiếp tục vững tin cống hiến cho quê hương đất nước. Tình nghi hoạt động cách mạng, chúng đã bắt giam mẹ gần 2 năm tại tiểu khu Bình Dương. Trong tù, chúng bắt mẹ khai hoạt động cách mạng. Không thể dùng lời nói, chúng đánh đập mẹ dã man nhưng cũng không có kết quả. Giờ đây, hòa bình lập lại, những vết thương ngày ấy ngày đêm âm ỉ làm mẹ đau. 

 
  Mẹ VNAH Võ Thị Phận tỉ mỉ lau bằng Tổ quốc ghi công của chồng Ảnh: T.LÝ

Chúng tôi còn được nghe kể câu chuyện về mẹ Nguyễn Thị Xanh (SN 1926, xã Lai Hưng, Bàu Bàng) nhiều lần bị giặc dí súng hù dọa. Thế nhưng, thà chết mẹ cũng không khai hầm bí mật, nơi lưu trú của bộ đội. Ngày đêm, mẹ âm thầm cùng chồng, ông Lê Văn Bèo (SN 1926) gánh gạo nuôi quân, rèn vũ khí. Anh Lê Thanh Danh - con trai mẹ Xanh tâm sự: “Gia đình tôi có chị làNguyễn Thị Thung, anh Lê Văn Định là liệt sĩ. Nhớthương con, mẹ hay ngồi thẫn thờ gọi tên các anh chị. Đến nay, sức khỏe yếu nhưng nhắc đến tên anh Định, chị Thung, nước mắt mẹ lại rơi. Mẹ thường nói, “con mẹ đã hy sinh vì nước, vì dân, dù đau thương nhưng mẹ rất tựhào”.

Đất nước trải qua bao năm chinh chiến cũng chừng ấy năm các mẹ VNAH góp phần cùng gánh giang sơn trên đôi vai đi hết chiều dài lịch sử. Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, dư âm của nửa thế kỷ “máu và hoa” còn âm vang bao kỳ tích. Với các mẹ, vừa tỏa sáng niềm vinh quang chiến thắng, vừa lắng đọng nỗi buồn thiếu vắng khôn nguôi.

Nối tiếp lý tưởng của chồng, một mình mẹ Nguyễn Thị Đã (SN 1923) (xã Phú An, TX.Bến Cát) nuôi đàn con nhỏ trưởng thành và dạy dỗ các con ra sức cống hiến, phục vụ cho Tổ quốc. Mẹ luôn tự hào vì có chồng, con hy sinh cho cách mạng. Mẹ sức khỏe yếu, tai không nghe thấy gì nhưng chưa bao giờ ngừng giáo dục con cháu đạo lý làm người, sống thương yêu, nỗ lực học tập để mai này giúp cho đất nước. 4 người con của mẹ đều có việc làm ổn định. Mẹ còn tựhào hơn khi các cháu có đứa làm sĩ quan tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, dân quân thường trực Ban Chỉ huy Quân sự xã Phú An; nhiều cháu nỗ lực học tập, liên tục đạt thành tích cao trong học tập.

Cách nhà mẹ Đã không xa, chúng tôi đến thăm mẹ Nguyễn Thị Nghiêm (xã An Tây, TX.Bến Cát). Ở độ tuổi 103 nhưng mẹ còn khỏe mạnh. Mẹ cười tươi khoe với chúng tôi, con cháu mẹ giờ đã lớn hết rồi. Chúng ngoan ngoãn và thành đạt. Nhớcác con hy sinh, hàng ngày mẹ lấy tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai người con liệt sĩ ra ngắm như khoe với các con về cuộc sống mới an nhàn của mẹ. Chuẩn bị được nhận danh hiệu cao quý, mẹ Nguyễn Thị Nghiêm bật khóc. Mẹ khóc vì mừng vui khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 T.LÝ - H.NHUNG