Tự hào người lính Cụ Hồ

Thứ tư, ngày 28/06/2017

Theo giới thiệu của cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) phường An Thạnh, TX.Thuận An, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Chí Công (SN 1938, thương binh 1/4) để được nghe ông kể về những năm tháng “vào sinh ra tử”, cùng đồng đội đồng cam cộng khổ, anh dũng, kiên cường chiến đấu ở các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ những năm 60 của thế kỷ trước.

(BDO)

 Ông Ba Công nhắc nhở con cháu luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ảnh: M.HIẾU

 Nhớ lại một thời hào hùng của mình, ông Công cho biết quê ông ở xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Cũng như bao thanh niên khác, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1958, khi vừa tròn 20 tuổi ông đã xin gia nhập quân ngũ tại Đại đội 301 và chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công, góp phần giải phóng tỉnh Phước Thành. Tháng 7-1961, trong một lần quần nhau với giặc, ông Ba Công (tên gọi thân mật của đồng đội đặt cho ông) đã bị trọng thương với 1 viên đạn nằm trong phổi.

Vài tháng sau, khi vết thương được chữa lành, ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Bàu Bàng. Trong một lần đối đầu với Tổng nha an ninh của Sài Gòn, ông Ba Công đã bị thương ở chân trái. Nhờ đồng đội và bà con nhân dân đùm bọc nên ông được đưa về điều trị tại quân khu. Do vết thương quá nặng nên các y, bác sĩ đã quyết định cưa chân để giữ lại mạng sống cho ông Ba Công. Tuy bị mất đi một phần thân thể nhưng ông vẫn giữ vững tinh thần và phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ với nhiệm vụ mới tại Trạm giao bưu của Quân khu 7. Năm 1963, ông Ba Công được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại C27T1. Phát huy tinh thần của một đảng viên thực thụ, ông Ba Công đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ hậu cần ở Đoàn 81, trợ lý chính trị ở Đoàn 86. Đến tháng 12- 1969, ông được chuyển công tác về Đoàn 90, rồi năm 1970 được tổ chức đưa ra Bắc điều trị ở trại an dưỡng Đoàn 582.

Năm 1972, cô công nhân Nhà máy diêm Hà Nội tên Đào Thị Bình (sinh năm 1949) cảm phục trước nghị lực phi thường của anh thương binh trẻ Nguyễn Chí Công, 2 người đã nên duyên vợ chồng. Sau giải phóng, gia đình ông trở về quê hương khi đất nước sạch bóng quân thù. Mặc dù vậy, người thương binh nặng với thương tật 81% đã không khuất phục trước số phận, ông luôn có tư tưởng vững vàng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân và gia đình thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, quan điểm, chủ trương, pháp luật. Bản thân và gia đình ông có lối sống lành mạnh, giản dị nêu cao ý thức trong việc đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, tham nhũng. ..

Ghi nhận những nỗ lực đó, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho ông Nguyễn Chí Công vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2010; năm 2013, ông Công vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; năm 2015, ông được UBND TX.Thuận An khen thưởng với danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”…

MINH HIẾU

Từ khóa: