Tự hào người chiến sĩ Điện Biên
Đại tá Ung Răng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 444, chiến dịch ĐBP: Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc
Dù đã 92 tuổi đời, cơ thể thường xuyên đau nhức vì bệnh tật, nhưng với đại tá Ung Răng, nguyên Hiệu trưởng trường Sĩ quan Công binh; người giữ vai trò Tiểu đoàn trưởng trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đỉnh cao là chiến dịch ĐBP… thì những ký ức về một ĐBP không bao giờ phai mờ.
Hồi tưởng về những gì đã qua, mắt đại tá sáng lên và ông say sưa kể về chiến dịch ĐBP. ĐBP là một lòng chảo rộng lớn ở rừng núi phía bắc. Đây là khu căn cứ quân sự có vị trí rất thuận lợi. Vì vậy địch đã chọn địa bàn này làm khu căn cứ chiến lược cơ động. Lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm ĐBP rất hùng mạnh. Sau khi phân tích tình hình chiến trường, mùa đông năm 1953, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch ĐBP với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của Pháp ở đây, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc và chấm dứt chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy chiến dịch. Để chuẩn bị cho trận đánh, lực lượng của chúng ta gồm 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với hơn nửa triệu cán bộ, chiến sĩ và hàng vạn tấn vũ khí được đưa vào trận địa. Ban đầu chúng ta chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng sau thấy sự chênh lệnh về lực lượng giữa ta và địch quá lớn, nên chúng ta quyết định chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau 56 ngày đêm, chiến dịch ĐBP đã toàn thắng. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, góp phần kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp; khẳng định chủ quyền của một nước Việt Nam độc lập.
Dù đã lớn tuổi nhưng đại tá Ung Răng vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam
Trở lại nhiệm vụ của mình, ông kể: Trong chiến dịch ĐBP, cả Tiểu đoàn 444 (ông là Tiểu đoàn trưởng) được phân công mở đường và bắc cầu bảo đảm giao thông thông suốt. Từ con đường Tuần Giáo - Điện Biên đầy khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị; đến việc mở rộng đường cho pháo cơ giới; rồi phải bảo đảm đường sá thông suốt trong mùa mưa… Trong chiến dịch ĐBP, vai trò của những người lính công binh rất quan trọng. Họ nhận trách nhiệm nặng nề là tạo ra những con đường với điều kiện hết sức khó khăn, địa hình hiểm trở. Nhưng với sức lao động, sự sáng tạo của hàng ngàn con người đã hình thành nên những con đường cho pháo vào trận địa, đánh thắng địch, đi đến thắng lợi vẻ vang.
Một trong những sáng tạo trong làm đường của ông là giải quyết thành công các đường vòng móng ngựa trên đường số 6 (đường từ Bản Xỉn qua Pu-ya-tao sang phía tây lòng chảo Điện Biên) dài khoảng 18km. Để mở rộng đường cho pháo cơ giới đi thì đường phải rộng đủ 3,5m, độ dốc tối đa 9% và bán kính đường vòng tối thiểu là 12m. Tuy nhiên, đường qua đỉnh Yên Ngựa có đoạn rất thấp, không thể xê dịch xuống được nữa. Độ dốc toàn tuyến bảo đảm liên tục 15% nhưng có 3 chỗ gấp khúc chữ chi không thể tránh được nên không bảo đảm mở đường theo quy định. Giải quyết 3 đường vòng móng ngựa này như thế nào là điều mà ông cùng với cộng sự thật sự lúng túng. Sau khi xem xét kỹ, ông quyết định phương án: chuyển góc ngoặt ra khu vực sườn đồi tương đối ít dốc hơn, hai đoạn đường gấp đều giữ nguyên độ dốc 15%. Từ đỉnh góc ngoặt kéo ra phía ngoài một đoạn thẳng dài 6m có độ dốc bằng không. Lấy điểm cuối làm tâm quay một vòng bán kính 6m, đó là điểm tâm vòng móng ngựa...
Với đường vòng móng ngựa này, để xe pháo qua được thì phải tháo pháo ra, rồi lùi lại một lần mới tiến qua được. Bởi vậy ông cũng chuẩn bị đoạn tiếp giáp về cuối đường tương đối bằng phẳng để xe dừng lại tháo pháo ra chỉ mất khoảng 30 phút, bảo đảm được giờ pháo đến trận địa mà không phải mở đường quá phức tạp, tốn rất nhiều thời gian và dễ bị phát hiện. Sau này, vào giữa chiến dịch ĐBP có một đoàn tù binh Âu - Phi từ mặt trận ra theo đường số 6 được dừng lại nghỉ ở một đoạn đường vòng vì chỗ ấy rộng dễ canh gác hai đầu. Một tù binh người Âu ngước nhìn vách ta luy cao vút đã thốt lên: “Thật là một kỳ công, chúng tôi không hình dung nổi nên thua là phải”.
Hồi ức về chiến dịch ĐBP với đại tá Ung Răng không phải là những chiến thắng oanh liệt, tập đoàn cứ điểm bị đánh tan rã mà chính là khí thế ra quân khi ấy. Ông kể: Hồi đó khí thế ra quân rất rầm rộ. Ai được ra tiền tuyến đều tự hào, mà được ra sát hỏa tuyến càng tự hào hơn. Ông còn nhớ khi mở đường Tuần Giáo - Điện Biên, trên đường mật độ đi lại ngày càng đông. Xe ô tô mỗi đêm một đoàn chừng 15 chiếc. Còn các xe đạp thồ, các đoàn dân công tấp nập. Trên tuyến đường vận chuyển, dân công đưa ra sát mặt trận được lựa chọn rất cẩn thận, toàn là cốt cán bần cố nông. Ban đêm có đèn ô tô quét sáng, các cô dân công tranh thủ gánh chạy trước đèn vừa chạy giữa đường vừa cười rúc rích. Ban đêm trên đường vui như trẩy hội.
Gần 60 năm chiến thắng ĐBP, những cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch ấy không còn lại là bao. Nhưng với họ, được tham gia chiến dịch này là một niềm tự hào, một ký ức họ mãi mãi không quên.
Ông Lê Duy Tân, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 322 pháo phòng không, Sư đoàn 308, chiến dịch ĐBP: Những phút giây chiến thắng không thể nào quên
Tiếp chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, ông nói: Đến hẹn lại lên, bác cháu ta lại gặp nhau. Trải qua bao nhiêu năm, những người lính Điện Biên năm xưa vẫn vậy. Chúng tôi luôn nhớ về những khó khăn gian khổ nhưng đầy hào hùng của chiến dịch Điện Biên.
Ông tham gia chiến dịch ĐBP là một sự tình cờ vì trước đó ông là cán bộ địa phương. Thời đó còn trẻ nên ông đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ từ thôn đội trưởng, phụ trách du kích, bình dân học vụ ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm đó, có đoàn ở trên về xã tuyển quân và ông được phân công dẫn đoàn về làng làm nhiệm vụ. Trong buổi xét tuyển, có rất ít thanh niên đạt tiêu chuẩn A1, A2; thấy vậy ông tuyển thử. Dáng người cao to, khỏe mạnh nên ông đạt chuẩn A1, thế là nhập ngũ. Ngay đêm đó, ông đến xã để bàn giao công việc và lên đường. Ông được đưa về đơn vị pháo mới (pháo do bộ đội ta sản xuất). Sau mấy trận đánh, đơn vị của ông được đưa sang Trung Quốc huấn luyện, còn ông khi ấy đang theo học hạ sĩ quan nên ở lại. Học xong ông được bổ sung về đơn vị pháo cao xạ, bảo vệ cầu đường.
Ông Lê Duy Tân thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP
Trong chiến dịch ĐBP, ông là chiến sĩ Tiểu đoàn 322 pháo phòng không, Sư đoàn 308 thuộc đại đoàn công pháo. Ông kể: thời đó tôi tham gia đơn vị pháo 12,8 ly, bảo vệ trận địa pháo nên công việc cũng không có gì vất vả. Thích nhất là sau giải phóng Him Lam, đơn vị của tôi phối hợp với pháo cao xạ 37 khống chế sân bay, cắt đường tiếp tế của địch. Vòng vây của ta ngày càng siết chặt, pháo cao xạ ta hoạt động mạnh nên máy bay địch tiếp tế cho căn cứ đồn bót phải bay lên cao thả dù. Bộ đội ta nhặt được rất nhiều thứ từ lương thực, đạn dược, thuốc men của địch. Ngày ấy, có đủ gạo, củ mài ăn đã là may mắn rồi. Vì vậy, những thứ nhặt được rất quý. Him Lam một trung tâm đề kháng kiên cố vào bậc nhất của tập đoàn cứ điểm ĐBP, người Pháp đã đặt cho nó cái tên mỹ miều là Beaxtrice - tên một thiếu nữ đẹp nước Pháp, lại nằm án ngữ con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên với nhiệm vụ che chở trực tiếp cho phân khu trung tâm, chính vì thế mà Him Lam được mệnh danh là “cánh cửa thép” của tập đoàn cứ điểm ĐBP. Tại đây Pháp bố trí hệ thống binh lực và hỏa lực mạnh.
Để chuẩn bị cho trận đánh, lực lượng của chúng ta gồm 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với hơn nửa triệu cán bộ, chiến sĩ và hàng vạn tấn vũ khí được đưa vào trận địa. Ban đầu chúng ta chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng do địa hình hiểm trở, ban đầu kế hoạch kéo pháo dự kiến trong 2 ngày thế mà sau 7 ngày đêm mới vào được trận địa, số còn lại đang trên đường di chuyển khẩn cấp. Trước tình hình chênh lệnh về lực lượng giữa ta và địch quá lớn, cộng với sự trở ngại về trận địa pháo bởi phần lớn đều nằm ở vị trí trống trải. Pháo đặt ở vị trí như thế khi nổ súng rất dễ bị lộ mục tiêu cho không quân và pháo binh địch bắn phá. Và việc tiếp tế đạn khi chiến đấu sẽ rất khó… Qua 8 năm kháng chiến, bộ đội ta trưởng thành nhưng vốn liếng chưa nhiều, chúng ta mới có 6 đại đoàn chủ lực, hầu hết đều có trong chiến dịch này. Do đó, chiến dịch chỉ được thắng, nếu thất bại thì hết vốn… Vì vậy, cấp trên đã quyết định chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” và giành thắng lợi hoàn toàn vào chiều ngày 7-5-1954.
Phương án tác chiến ban đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ là “đánh nhanh, thắng nhanh”, sau được thay đổi thành “đánh chắc, tiến chắc” do đánh giá lại tính chất phòng ngự và so sánh lực lượng. Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: từ ngày 13 đến 17-3-1954, quân ta đã mưu trí dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pirốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.
- Giai đoạn 2: từ ngày 30-3 đến ngày 30-4-1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Tướng Nava hy vọng đến mùa mưa ta phải dãn vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
- Giai đoạn 3: từ ngày 1-5 đến ngày 7-5-1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 6-5-1954, tại đồi A1, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
THU THẢO (thực hiện)