Tự hào là con cháu vua Hùng
(BDO) “Dòng máu lạc hồng/ Bốn nghìn năm/ Dòng máu đỏ tươi/ Chảy trong tim mình/ Nòi giống lạc hồng/ Giống rồng tiên/ Nguyện ôm/ Bao đời đất mẹ…”. Lời bài hát “Dòng máu lạc hồng” do nhạc sĩ Lê Quang sáng tác đã khơi dậy trong mỗi người Việt Nam những cảm xúc mỗi khi hướng về cội nguồn dân tộc. Hàng triệu con người Việt Nam dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu đều cũng luôn nhớ tới cội nguồn và tự hào là dòng giống tiên rồng, là con cháu của các vua Hùng.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Dĩ An đang hoàn tất công tác bày trí chuẩn bị cho triển lãm chuyên đề “Thời Hùng Vương qua tư liệu ảnh và hiện vật”
Tự hào truyền thống rồng tiên
Hướng về Ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương, hàng triệu trái tim Việt Nam đang nô nức hướng về nguồn cội với những cảm xúc tự hào. Với nhiều người, ngay từ thời thơ ấu, những câu chuyện truyền thuyết về các vị vua Hùng dựng nước và giữ nước đã luôn thuộc nằm lòng qua lời kể của thầy cô, ông bà, cha mẹ…
Em Phạm Thị Quỳnh Trâm, học sinh trường THCS Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, cho biết qua lời kể của người lớn và các phim tư liệu, em đã ngày càng yêu thích môn học lịch sử. Trong số những câu chuyện về 18 vị vua Hùng, em thích nhất câu chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở trăm con, truyền thuyết về Thánh Gióng, sự tích quả dưa hấu, sự tích bánh chưng - bánh dày, truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh… Bởi từ những câu chuyện này, các thế hệ người Việt Nam đã hun đúc nên những giá trị tinh thần dân tộc, mở mang bờ cõi đất Việt, chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước mang lại cuộc sống thanh bình cho chúng ta hiện tại.
Niềm đam mê học môn lịch sử của Quỳnh Trâm đã giúp em đoạt giải nhất trong Hội thi Nhà sử học nhỏ tuổi năm 2021. Cùng với Quỳnh Trâm, hàng ngàn học sinh của các trường TH và THCS trong toàn tỉnh đã có dịp hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc thông qua tham gia các phần thi của hội thi. Ngoài sân chơi cấp tỉnh, các huyện, thị, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu về lịch sử, giúp các em học sinh in sâu những kiến thức và những giá trị mà lịch sử đã mang lại đúng như lời dạy của Bác: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Ngợi ca sử Việt
Hòa mình vào các chương trình văn nghệ, các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, chúng tôi đều ghi nhận sự trân trọng lịch sử của các đơn vị tham gia. Mỗi chương trình đều được dàn dựng công phu và mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa. Đó là niềm tự hào lịch sử dân tộc, lịch sử “Lạc Hồng” và truyền thống cách mạng Việt Nam; qua đó đã khơi dậy trong mỗi người tình yêu nước nồng nàn, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, sẵn sàng ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”…
Những ca khúc quen thuộc như: “Dòng máu Lạc Hồng”, “Lời ru Âu Lạc”, “Dân nước Nam”, “Đất nước lời ru”… được các đơn vị dàn dựng hát tốp ca có phần múa minh họa rất đặc sắc. Với những lời ca hào hùng, những vũ điệu mạnh mẽ, hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng các con lên rừng, xuống biển gầy dựng cơ đồ nước Việt thật thiêng liêng, khiến người xem trào dâng nhiều cảm xúc.
Với ý thức “uống nước nhớ nguồn”, ngay từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ thứ XIV, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ các vua Hùng. Qua thời gian xây dựng và phát triển, đến nay quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt. Tự hào hơn khi Quốc tổ thiêng liêng cũng đã được chứng nhận ở phạm vi quốc tế. Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở tỉnh Phú Thọ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cũng với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, chào mừng ngày Giỗ tổ Hùng Vương, nhiều nơi trong tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ý nghĩa. Trong đó, lễ Giỗ tổ Hùng Vương sẽ được tổ chức tại trường THPT chuyên Hùng Vương. Dự kiến, buổi lễ sẽ được tổ chức trang trọng với nhiều nghi lễ truyền thống, như: Dâng hương, dâng hoa, đèn, bánh chưng… lên bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân có công lao lớn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dịp này, Nhà truyền thống TP.Dĩ An cũng tổ chức triển lãm chuyên đề “Thời Hùng Vương qua tư liệu ảnh và hiện vật”. Ngoài ra, tại một số đình thần cũng tổ chức lễ cúng nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; khẳng định nỗ lực, cố gắng của địa phương trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử.
Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, chào mừng ngày Giỗ tổ Hùng Vương, nhiều nơi trong tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ý nghĩa. Trong đó, lễ Giỗ tổ Hùng Vương sẽ được tổ chức tại trường THPT chuyên Hùng Vương. Dự kiến, buổi lễ sẽ được tổ chức trang trọng với nhiều nghi lễ truyền thống, như: Dâng hương, dâng hoa, đèn, bánh chưng… lên bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân có công lao lớn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
THỤC VĂN