Tự hào đi lên dưới cờ Đảng quang vinh

Thứ năm, ngày 04/02/2016

(BDO) Đồng chí Nguyễn Minh Triết

Biết bao mùa xuân đã đi qua, kể từ ngày 3-2-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử Việt Nam đã viết nên những trang chói lọi nhất. Từ một nước nô lệ, Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, tự do và đang tiến nhanh trên con đường đổi mới. Từ một nước còn nghèo, Việt Nam ngày nay đã và đang hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế.

Trong không khí ấm áp của mùa xuân mới Bính Thân 2016 đang về, mừng đất nước ngày càng phát triển, mừng Đảng quang vinh, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xung quanh những thời cơ, vận hội, thách thức của dân tộc…

Sáng mãi một niềm tin

- Thưa đồng chí, thời đại Hồ Chí Minh được mở đầu từ mùa xuân năm 1930 và Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Bác Hồ kính yêu - tuyên bố thành lập Nhà nước công - nông đầu tiên… Đó là những sự kiện mang tầm vóc tinh hoa của dân tộc được phát huy từ cội nguồn lòng yêu nước và khí phách ngàn đời của dân tộc ta. 86 mùa xuân Đảng lãnh đạo đất nước đạt những thành tựu to lớn, ngày càng thể hiện là Đảng cách mạng chân chính. Năm mới nhân dân thêm tin yêu và tự hào về Đảng, chắc hẳn cá nhân đồng chí cũng có nhiều điều chia sẻ?

Đúng như vậy, 86 năm qua, dưới ngọn cờ đại nghĩa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi vẻ vang, làm rạng rỡ thêm dân tộc ta, non sông ta. Trong những năm đất nước chiến tranh, sức mạnh của Đảng càng được nhân lên gấp bội nhờ sự đoàn kết trong nước và đoàn kết quốc tế. Chính với sức mạnh đó, Đảng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức lãnh đạo quân và dân ta lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất non sông, Nam - Bắc sum họp một nhà.

Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta “ngày càng to đẹp hơn”. Trong ảnh: Một góc TP.Thủ Dầu Một hôm nay

Từ khi nước nhà giành được độc lập, Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đạt được những thành tựu trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại giữ vững ổn định…, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng và vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Nghĩ về Đảng, nhân dân ta khắp mọi miền Tổ quốc, trong và ngoài nước, trong đó có cá nhân tôi đều chung một tấm lòng mãi mãi biết ơn và rất đỗi tự hào, nguyện phấn đấu góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh mà sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

“Với bản lĩnh của một Đảng cách mạng chân chính, được trui rèn trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước suốt 86 năm qua, chắc chắn Đảng ta sẽ ngày càng vững mạnh, gắn bó với nhân dân, phụng sự nhân dân và được nhân dân tin yêu”.

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta cũng không tránh khỏi những khuyết điểm khiến nhân dân và cán bộ, đảng viên không khỏi băn khoăn. Nhưng với sự thành công tốt đẹp Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa qua, Đảng ta sẽ nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém để phát triển. Tôi tin tưởng rằng, dưới ngọn cờ tất thắng của Đảng và của Bác Hồ vĩ đại, với hoài bão lớn, kiên định trong mọi tình huống, với nghị lực sáng tạo và trí tuệ Việt Nam trong thời đại mới, nhân dân ta đoàn kết một lòng thì ước mơ dân giàu nước mạnh sẽ trở thành hiện thực; với bản lĩnh của một Đảng cách mạng chân chính, được trui rèn trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước suốt 86 năm qua, chắc chắn Đảng ta sẽ ngày càng vững mạnh, gắn bó với nhân dân, phụng sự nhân dân và được nhân dân tin yêu.

- Nhìn lại năm Ất Mùi 2015, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng, ngày càng vững bước đi tới bến bờ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng chí có nhìn nhận như thế nào về những vận hội, thách thức đối với đất nước, dân tộc trong tương lai, thưa đồng chí?

- Về những thành tựu đạt được trong năm qua, các phương tiện thông tin đã nói rõ nên tôi không nhắc lại. Trong thời gian tới, việc nước ta tham gia Cộng đồng ASEAN có thể xem là những vận hội lớn trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, đối ngoại… Đối với lĩnh vực kinh tế, tham gia Cộng đồng ASEAN, ta có thị trường rộng lớn cho xuất khẩu sang các nước ASEAN và cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn; gia tăng khả năng thu hút đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài, đồng thời thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào các nước ASEAN. Về tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một cơ hội lớn đối với ta trong thay đổi cơ cấu kinh tế và quan hệ đầu tư… Tuy nhiên, bên cạnh những vận hội thì thách thức cũng không nhỏ. Bởi khi gia nhập các tổ chức trên, cụ thể ở Cộng đồng ASEAN, ta sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt hơn trong quá trình thực thi các cam kết do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn hạn chế. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường trong nước. Về chính trị - an ninh, bên cạnh những thuận lợi như, góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định khu vực, nâng cao khả năng xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống… thì ta cũng phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp hơn liên quan đến an ninh xã hội như tội phạm qua biên giới, lao động nhập cư… Tôi cho rằng việc gia nhập các tổ chức trên là thắng lợi lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Vì vậy, ta cần có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt để việc tham gia được chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

- Thưa đồng chí, lịch sử dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, “Cốt vẹn toàn đất đai, tắt muôn đời chiến tranh”. Song, những thông điệp hòa bình của ta luôn bị các thế lực thù địch đe dọa. Thời gian qua vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã trở nên thách thức nghiêm trọng. Đồng chí nhận định như thế nào về những sự kiện đã xảy ra?

- Phải nói rằng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các thế hệ con cháu đất Việt đã phải đổ biết bao máu xương để bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại. Nhân dân ta yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các nước, nhưng thời gian qua một số thế lực ngoại bang đã không để cho ta yên ổn. Ở biên giới phía Nam, thế lực phản động bên ngoài hết dựng lên chuyện này đến chuyện khác một cách rất trơ trẽn. Trên biển Đông, liên tiếp các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và trái đạo lý nghiêm trọng đã xảy ra. Tất cả những hành động trên chứng tỏ, thế lực kẻ mạnh đang thực hiện những bước đi với những toan tính chiến lược mạo hiểm nhằm độc chiếm biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam, đồng thời tiềm ẩn hiểm họa đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

… Và những khu công nghiệp sầm uấ. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Tôi đồng tình với những đối sách của ta trong thời gian qua trước vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhất là ở biển Đông. Đây là vấn đề sẽ còn kéo dài, do đó chúng ta cần phải chú trọng hơn công tác dự báo tình hình nhằm tránh bị động trong đối phó. Chúng ta có lúc cương, lúc nhu tùy theo tình hình nhưng về tư tưởng và ý chí thì phải mạnh mẽ, dũng khí. Tôi tin tưởng rằng: biển Đông thêm một lần dậy sóng, lòng yêu nước của nhân dân thêm một lần được nhân lên, Đảng ta càng thêm ngời sáng, vẫn vững tay chèo vượt sóng cả. Lịch sử Việt Nam đã đúc kết: “… Nếu chúng ta biết phát huy sức mạnh của dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân thì kẻ thù có mạnh đến mấy, hiện đại đến mấy ta cũng chiến thắng”.

“Tôi tin tưởng rằng: Biển Đông thêm một lần dậy sóng, lòng yêu nước của nhân dân thêm một lần được nhân lên, Đảng ta càng thêm ngời sáng, vẫn vững tay chèo vượt sóng cả...”.

- Chưa bao giờ cộng đồng quốc tế lại có phản ứng phê phán và lên án các thế lực xâm chiếm biển Đông mạnh mẽ như thời gian qua. Điều này chứng tỏ chính nghĩa của Việt Nam đã được khẳng định trên trường quốc tế; đồng thời những toan tính đầy tham vọng của thế lực bành trướng biển Đông đã bị quốc tế vạch trần. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về những vấn đề này?

- Tôi cho rằng, những hành động bất hợp pháp đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và gần đây là xây dựng các căn cứ trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là những bước leo thang ngày càng nguy hiểm. Hành động của họ đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Điều này chứng tỏ sự độc chiếm biển Đông không chỉ là hiểm họa đối với Việt Nam hay các nước Đông Nam Á mà còn đối với cả thế giới. Biển Đông đang chứng tỏ vai trò cực kỳ quan trọng vượt quá phạm vi của sự ổn định khu vực mà có tác động mang tính toàn cầu. Tôi hoan nghênh trước sự bày tỏ thái độ của quốc tế đối với vấn đề biển Đông trong thời gian qua. Nhưng phải nói rằng, sự phản ứng của quốc tế vẫn “chưa đủ liều”, bởi vẫn còn các lợi ích khác ràng buộc. Trong thời gian tới, đối với biển Đông, quốc tế cần có thái độ cụ thể hơn, kiên quyết hơn, cần có sự tập hợp rộng rãi hơn nhằm bảo vệ lợi ích chung.

“Nhân dân” hai chữ thiêng liêng

- Thưa đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến “Nước lấy dân làm gốc”, vai trò của nhân dân đã được khẳng định trong cả ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sự hy sinh của nhân dân cho đất nước được độc lập tự do là không thể nào kể hết. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, Việt Nam ta đang từng ngày vững tiến, sánh vai cùng bạn bè năm châu nhưng vẫn còn đó bao hy sinh mất mát do chiến tranh để lại. Mùa xuân mới đang về, tự đáy lòng, đồng chí có suy nghĩ như thế nào về hai chữ “nhân dân”.

“Nhân dân” hai chữ rất thiêng liêng mà bao thế hệ người Việt Nam đều khắc ghi trong lòng...”

- Đối với tôi, “nhân dân” hai chữ rất thiêng liêng mà bao thế hệ người Việt Nam đều khắc ghi trong lòng. Người xưa có câu “Đẩy thuyền cũng dân, lật thuyền cũng dân”. Tôi nhớ một câu chuyện: Năm 1973, đoàn chúng tôi đi công tác về đồng bằng, ngang qua vùng ngập nước Kiến Tường (Long An) bất ngờ bị một trận càn quét ác liệt của địch. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn, cạn hết lương thực, thực phẩm… Chúng tôi phải dựa vào dân. Bà con nuôi chúng tôi bằng bông súng, chuột đồng, rau rừng… mặc dù họ không quen biết chúng tôi, chỉ biết đó là những người cách mạng đang góp phần giải phóng quê hương. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được những ký ức thấm đượm tình quân dân ngày ấy. Thật là cao cả, khi ở thời đó chúng ta chưa cho dân gì cả, dân rất nghèo nhưng vẫn sẵn sàng nuôi cán bộ. Vì sao như vậy? Vì dân tin, dân biết cách mạng đang mang lại độc lập tự do, dù thành quả đó có thể họ không được hưởng. Tôi muốn nói rằng, ngày nay đất nước đã độc lập thống nhất, nền kinh tế phát triển nhưng ở đâu đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nhũng nhiễu nhân dân. Điều này là rất đáng phê phán. Suy cho cùng Đảng ta ra đời để làm gì, cán bộ để làm gì…? Tất cả chỉ là để phục vụ nhân dân. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Tôi mong rằng, cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần điều này.

- Nhân dịp năm mới xin đồng chí có đôi điều gửi gắm đến đồng bào, đồng chí cả nước?

- Mùa xuân năm nay mang theo những thông điệp, những thành tựu thắng lợi của đất nước ta đã làm vui lòng người. Sự thành công tốt đẹp Đại hội lần thứ XII của Đảng càng làm cho nhân dân thêm tin yêu và tự hào về Đảng, cùng vững bước đi lên dưới cờ Đảng quang vinh. Tôi chúc đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đón xuân vui tươi, phấn khởi nhưng cũng không quên những khó khăn phía trước. Tôi mong, tất cả chúng ta nỗ lực hơn nữa, đoàn kết, tự hào, trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

- Xin cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn này! Năm mới chúc ông và gia đình đón xuân vui tươi, mạnh khỏe và thành công!

 

                KIẾN GIANG (thực hiện)