Từ đơn kêu cứu của bà Bồ Thị Kim L. (P.An Thạnh, TX.Thuận An): Nhọc nhằn đi tìm sự thật!
(BDO) Cùng một vụ việc, một cấp xét xử nhưng nội dung mỗi bản án lại hoàn toàn trái ngược nhau. Đây là vụ việc mà báo Bình Dương đã từng vào cuộc điều tra và có bài viết phản ánh về thủ đoạn cho vay vốn “tín dụng đen”. Theo đó, để được vay vốn, người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (HĐ CNQSDĐ) thì bên kia mới cho vay. Đến khi bên đi vay không đủ khả năng trả nợ thì bên cho vay sẽ khởi kiện ra tòa để lấy nhà, đất. Tình ngay, lý gian!
Phúc thẩm lần 1: Thắng kiện
Đó là trường hợp của bà Bồ Thị Kim L. (P.An Thạnh, TX.Thuận An). Vào tháng 12- 2009, bà L. có liên hệ với bà C. ngụ cùng địa phương để vay tiền. Theo yêu cầu của bà C., để được vay 300 triệu đồng bà L. phải ký HĐ CNQSDĐ thì bà C. mới đồng ý cho vay (lãi suất 6%/tháng). Vì cần tiền gấp nên vợ chồng bà L. đã đến Văn phòng công chứng ký HĐ CNQSDĐ cho bà C. Giữa bà L. và bà C. có thỏa thuận, khi nào có tiền trả thì sẽ ra Văn phòng công chứng để hủy HĐ CNQSDĐ và thực tế bà L. cũng chưa giao đất cho bà C.
Do việc làm ăn gặp khó khăn và không có khả năng trả nợ, bà L. bị bà C. khởi kiện yêu cầu phải giao đất. Lúc này, bà L. mới biết rằng nhà, đất của mình hiện đã được bà C. đứng tên.
Căn nhà của bà L. hiện đã do bà C. đứng tên
Tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà C. và buộc bà L. phải giao QSDĐ và căn nhà cho bà C. Không đồng ý với bản án này, bà L. đã làm đơn kháng cáo vì bà cho rằng việc ký HĐ CNQSDĐ chỉ là cái cớ để vay tiền, thực chất không có việc bà bán nhà cho bà C. Bà L. có cung cấp cho HĐXX băng ghi âm có nội dung trao đổi về việc trả nợ nhưng HĐXX sơ thẩm không chấp nhận chứng cứ này.
Ngày xét xử phúc thẩm, HĐXX đã cho mở các đĩa CD do bà L. cung cấp để những người tham dự phiên tòa cùng nghe. Trong các đĩa CD này đều có nội dung trao đổi về việc trả nợ giữa người vay tiền và người cho vay tiền.
Bà L. khẳng định giọng nói của người cho vay trong đĩa CD là của bà C., còn giọng nói của người vay tiền trong đĩa CD là của mình.
Bà C. không thừa nhận giọng nói của người cho vay tiền trong đĩa CD là giọng nói của mình và kiên quyết không cung cấp giọng nói mẫu để HĐXX trưng cầu giám định theo yêu cầu của bà L. Điều đó, theo nhận định của HĐXX là có căn cứ khẳng định bản chất sự việc tính đến ngày 13- 1-2010, bà C. cho bà L. vay số tiền là 300 triệu đồng. Các bên lập HĐ CNQSDĐ tại Phòng Công chứng số 2 tỉnh Bình Dương chỉ là để bảo đảm cho việc vay số tiền trên. Do đó, đây là giao dịch giả tạo nên bị vô hiệu. Còn giao dịch vay tài sản giữa bà C. và bà L. là giao dịch có thật và không trái pháp luật nên có hiệu lực pháp luật.
Trên cơ sở đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy HĐ CNQSDĐ giữa bà C. và bà L. Kiến nghị UBND TX.Thuận An thu hồi GCN QSDĐ đã cấp cho bà C. Bà L. phải trả cho bà C. số tiền đã vay cộng với tiền lãi theo quy định.
Phúc thẩm lần 2: Thua kiện
Ngày 26-8-2016, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, lần này HĐXX cho rằng chứng cứ quan trọng nhất là đĩa CD (là chứng cứ để HĐXX lần thứ 1 sử dụng để tuyên cho bà L. thắng kiện) được bà L. chép từ việc ghi âm của máy điện thoại nhưng bà L. không cung cấp được máy điện thoại này nên đĩa CD không có nguồn gốc xuất xứ. Do đó, đĩa CD không xem là chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Bên cạnh đó, nhiều tình tiết của luật sư đưa ra cũng bị HĐXX không chấp nhận như giá trị căn nhà tại thời điểm ký HĐ CNQSDĐ là khoảng 900 triệu đồng mà bà L. chỉ bán có 300 triệu đồng là quá thấp so với thực tế, vậy việc bán nhà có phù hợp với thực tế khách quan? |
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương nhận được sự sự đồng thuận của dư luận. Tuy nhiên, vì có kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao nên Tòa dân sự TAND tối cao đã tiến hành xét xử giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả hai bản của 2 cấp tòa, giao hồ sơ cho TAND TX.Thuận An xét xử lại theo quy định.
Xét xử lại sơ thẩm, TAND T.X Thuận An đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà C. buộc bà L. phải giao đất và nhà cho bà C.
Bà L. kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Ngày 26-8- 2016, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, lần này HĐXX cho rằng chứng cứ quan trọng nhất là đĩa CD (là chứng cứ để HĐXX lần thứ 1 sử dụng để tuyên cho bà L. thắng kiện) được bà L. chép từ việc ghi âm của máy điện thoại nhưng bà L. không cung cấp được máy điện thoại này nên đĩa CD không có nguồn gốc xuất xứ. Do đó, đĩa CD không xem là chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Bên cạnh đó, nhiều tình tiết của luật sư đưa ra cũng bị HĐXX không chấp nhận như giá trị căn nhà tại thời điểm ký HĐ CNQSDĐ là khoảng 900 triệu đồng mà bà L. chỉ bán có 300 triệu đồng là quá thấp so với thực tế, vậy việc bán nhà có phù hợp với thực tế khách quan?
HĐXX chỉ căn cứ vào giấy bán nhà được lập giữa bà L. và bà C., giấy giao nhận tiền và HĐ CNQSDĐ được ký kết tại văn phòng công chứng nên xác định vụ án này là HĐ CNQSDĐ và nhà. Trên cơ sở đó, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà L. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà C., buộc bà L. phải giao đất và nhà cho bà C.
Bà L. cho biết đã làm đơn xin đề nghị xem xét giám đốc thẩm vụ án.
Luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh: Phải xem đĩa CD là chứng cứ
Theo dõi vụ việc từ khi mới xảy ra tranh chấp, luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho rằng khi chứng cứ quan trọng nhất là đĩa CD mà không được HĐXX xem là chứng cứ thì việc bà L. thua kiện là điều chắc chắn. “Việc HĐXX không chấp nhận đĩa CD là chứng cứ, theo quan điểm của tôi là không chính xác. Bởi đĩa CD chính là chìa khóa của vụ án. Thử đặt câu hỏi nếu bà C. mua lại đất của bà L. một cách hợp pháp thì cớ gì phải từ chối giọng nói mẫu để giám định theo yêu cầu của bà L. Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng nêu rõ: Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình… Rõ ràng đối chiếu với quy định này thì đĩa CD phải được coi là chứng cứ bởi bà L. đã trình bày xuất xứ của đĩa CD là thu âm từ điện thoại. Việc HĐXX yêu cầu cung cấp điện thoại có cần thiết? Tại sao HĐXX không tìm hiểu nội dung trong đĩa CD là gì để từ đó có cái nhìn khách quan hơn khi tuyên án?”, luật sư Bình nêu quan điểm.
P.V BẠN ĐỌC - PHÁP LUẬT