Từ Chiếm phố Wall đến Chiếm phố chính

Thứ hai, ngày 17/09/2012

Cách đây một năm, ngày 17-9-2011, phong trào biểu tình Chiếm lấy phố Wall bắt đầu với việc hàng trăm người biểu tình đổ về trung tâm tài chính quốc gia ở công viên Zuccotti ở New York, Mỹ để lên án các ông chủ ngân hàng ăn trên ngồi trước gây thiệt hại nền kinh tế Mỹ. Một năm sau, có ý kiến cho rằng phong trào đã kết thúc, nhưng các nhà hoạt động khẳng định phong trào vẫn đang âm ỉ và sẽ bùng phát trở lại.

Kỷ niệm rầm rộ

Theo CNN, những người tổ chức biểu tình ngày 17-9 ở công viên Zuccotti được gọi là S17. Để đánh dấu kỷ niệm này sẽ có một cuộc biểu tình bằng xe đạp tới phố Manhattan, một “bức tường nhân dân” do những người biểu tình nắm tay nhau sẽ được hình thành trước thị trường chứng khoán New York và buổi hòa nhạc của ban nhạc Rage Against the Machine. Các S17 mong muốn thống nhất trở lại với mục tiêu cụ thể, tiến hành cuộc nổi dậy của những người đang mắc nợ ngân hàng, kêu gọi chấm dứt tình trạng để đồng tiền thao túng chính trị và kêu gọi cải cách hệ thống y tế.

  Phong trào Chiếm lấy phố Wall cần có người lãnh đạo thống nhất.Theo Tổng Biên tập tạp chí Adbusters của Canada, ông Kalle Lasn, giới truyền thông cứ thích nói rằng phong trào Chiếm lấy phố Wall đã chết nhưng thực sự nó chỉ chuyển đổi cách thức biểu tình. Lasn, một trong những người sáng lập phong trào cho rằng, Chiếm lấy phố Wall giờ đây chuyển sang “chiếm phố chính” (main street thay vì Wall Street). Ý nói rằng quy mô và mục đích của phong trào giờ đây rộng lớn hơn chứ không chỉ tập trung vào phố Wall.

Ngay trong 2 ngày cuối tuần, đã có khoảng 300 người của phong trào Chiếm lấy phố Wall kéo về Manhattan. Cảnh sát Mỹ đã tuần tra và bắt gần 10 người chủ yếu vì các hành vi gây mất trật tự. Những người tổ chức phong trào muốn gây thêm sự chú ý của công chúng khi có thêm biểu ngữ “99% khả năng nền kinh tế gặp khủng hoảng”. Theo báo Los Angeles Times, các cuộc thăm dò mới đây với kết quả cho thấy đa số người được hỏi vẫn ủng hộ phong trào Chiếm lấy phố Wall nhưng cho rằng, phong trào cần thêm những chiến lược mới.

Cần đầu tàu

Bất chấp sự phản đối của công luận, trong đó có phong trào Chiếm lấy phố Wall, trong vòng một năm qua, vẫn liên tiếp xảy ra các vụ bê bối trong giới tài chính ngân hàng ở Mỹ, cụ thể vụ các ngân hàng đi đêm với nhau thao túng lãi suất liên ngân hàng và tình trạng rửa tiền vẫn tiếp diễn. Phong trào Chiếm lấy phố Wall đã đạt được một số thành công như lôi kéo được số đông người biểu tình trong thời gian dài, lan rộng tới nhiều thành phố ở Mỹ và cả ở nhiều nước khác. Nhiều liên đoàn cùng tham gia vì mục tiêu chung, chống lại sự bất công trong thu nhập cũng như sự bất công trong hệ thống tài chính. Các nhà tổ chức đã xây dựng được một phong trào dài hạn với mục tiêu và biện pháp khá thành công. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động cho rằng, một liên minh rộng lớn như vậy lại thiếu người lãnh đạo nên rất dễ rơi vào tình trạng mất tổ chức.

Mới đây, phong trào Chiếm lấy phố Wall đã hủy một cuộc họp thường kỳ tại New York sau khi có nhiều bất đồng về mặt tổ chức. Vì vậy đã xảy ra tình trạng phong trào chia thành nhiều nhóm khác nhau với mục tiêu khác nhau; như nhóm hoạt động về môi trường, nhóm về quyền lợi người lao động, nhóm khác về nợ… Những nhóm nhỏ này cũng từng thành công tại một số địa phương với việc bênh vực quyền lợi người lao động, chống tịch thu nhà ở, chống lại sự bất bình đẳng thu nhập… Bên cạnh đó, báo Los Angeles Times dẫn lời những người được thăm dò cho rằng phong trào chưa có bất kỳ chính sách mới, điều lệ hay quy định gì riêng.

Ông Amin Husain, một luật sư từng tham gia phong trào Chiếm lấy phố Wall nói: “Chúng tôi đang gióng hồi chuông báo động với các cơ quan chính quyền bằng chính tiếng nói của chúng tôi và chúng tôi đang nói với mọi người: Hãy xuống đường”. Todd Gitlin, giáo sư xã hội học Đại học Columbia, cũng đồng ý với nhận định rằng phong trào Chiếm lấy phố Wall cần tham gia chính trị. Bà nói: “Nếu các bạn cố gắng thu hút mọi người, bạn phải chứng minh với họ rằng bạn có thể giành một chiến thắng nào đó và không thể có chiến thắng nào nếu không tham gia vào hệ thống chính trị”. Bà Gitlin từng lãnh đạo nhóm cánh tả sinh viên vì xã hội dân chủ những năm 1960.

Theo SGGP