Từ 18 giờ ngày 30/9, TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách theo lộ trình
(BDO)
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Từ 18 giờ ngày 30/9, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thông tin này nằm trong Chỉ thị mới về việc kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố công bố tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố sáng 30/9.
Nới lỏng phải phù hợp với diễn biến dịch bệnh
Theo ông Lê Hòa Bình, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 đạt trên 95% và mũi 2 đạt trên 45%.
Một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế-xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi đảm bảo an toàn. Ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm mũi 2 của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của Thành phố phải thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.
Do đó, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sẽ thực hiện theo các mục tiêu cụ thể như tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Thành phố từng bước khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân; đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết trong cuộc họp tối 29/9, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quán triệt đến các địa phương danh mục được cho phép hoạt động và yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân khi mở cửa. Không để người dân ra đường số lượng lớn ngay, mà phải tính toán, có lộ trình.
“Trong thời gian qua, thành phố nỗ lực vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an sinh. Ý thức của người dân qua đó cũng đã được nâng lên. Nếu không ý thức được công tác phòng, chống dịch và tình hình dịch phức tạp trở lại thì sẽ rất khó khăn để khôi phục bình thường mới," đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố nhận định.
Các hoạt động được khôi phục sau ngày 30/9
Trong chỉ thị mới về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng quy định các hoạt động sẽ được phép khôi phục. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương đóng tại Thành phố sẽ được hoạt động trở lại sau ngày 30/9.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố, đảm bảo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế-văn hóa nước ngoài có trụ sở đóng trên địa bàn thành phố chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp với đặc thù của tổ chức, đáp ứng quy định về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban Nhân dân thành phố và Bộ Y tế.
Các cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở dịch vụ y tế; kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được phép hoạt động với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch.
Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã điều trị khỏi COVID-19, được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.
Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hằng ngày của người dân được hoạt động; hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Nếu các hoạt động có sự tham gia tối đa 100 người, những người này phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh.
Việc dạy học sẽ tiếp tục tổ chức theo hình thức gián tiếp, trên môi trường Internet, qua truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy-học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vaccine có thể dạy-học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.
Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; nếu người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19 được tập trung tối đa 70 người. Đám tang, đám cưới được tổ chức, tối đa 20 người cùng một thời điểm...
Một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ sẽ được khôi phục trở lại để đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi kinh tế.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng cho biết thành phố tiếp tục tạm dừng các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ; bán hàng rong, vé số dạo và một số lĩnh vực cũng tạm thời chưa được phép hoạt động trở lại./.
Theo TTXVN