Từ 1-1-2015, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực: Quyền lợi người dân sẽ được mở rộng

Thứ tư, ngày 31/12/2014

Ngày 1-1-2015, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, theo đó, quyền lợi BHYT của người dân sẽ được mở rộng. Xoay quanh về vấn đề này, Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh về một số nội dung trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.

(BDO)

Phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh in thẻ BHYT cấp cho đối tượng.  Ảnh: TƯỜNG VY

- Thưa ông, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có những điểm nào mới so với trước đây?

- Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT trước đây không chi trả nhưng bây giờ được chi trả như khám chữa bệnh (KCB) do tai nạn lao động; trường hợp tự tử, tự gây thương tích; tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra; trẻ em dưới 6 tuổi thì được quỹ BHYT chi trả khi điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; thanh toán chi phí vận chuyển cho đối tượng lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, người nuôi dưỡng liệt sĩ.

Mức hưởng BHYT cũng tăng cụ thể: Đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo mức hưởng cũ 95% nay tăng lên 100%; đối tượng thân nhân liệt sĩ, người nuôi dưỡng liệt sĩ; cựu chiến binh, từ mức hưởng cũ 80% tăng lên 100%; đối tượng cận nghèo, thân nhân người có công khác mức hưởng cũ từ 80% tăng lên 95%.

- Người bệnh nặng với điều kiện như thế nào thì không cùng chi trả và những trường hợp đi khám trái tuyến không được hưởng BHYT, thưa ông?

- Chế độ BHYT không phân biệt bệnh nặng hay nhẹ, chỉ căn cứ theo mức hưởng của đối tượng; khám chữa bệnh đúng tuyến hay trái tuyến; đã tham gia liên tục trên 5 năm với mức đồng chi trả trong năm đã vượt 6 tháng lương cơ sở (hiện nay là 1.150.000 đồng x 6 = 6,9 triệu đồng, như vậy những người đã đóng BHYT 5 năm liên tục, trong năm dương lịch, người bệnh giữ các hóa đơn đồng chi trả của những lần khám đúng tuyến đến khi vừa được 6,9 triệu đồng) thì đến cơ quan BHXH tỉnh hoặc huyện và sẽ được cơ quan BHXH cấp cho một giấy xác nhận, người có thẻ BHYT này sẽ không cùng chi trả cho đến hết năm dương lịch cho những lần khám sau.

Từ 1-1-2015, khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trong trường hợp điều trị ngoại trú thì không được hưởng BHYT; trừ trường hợp nằm viện (nội trú).

- Thưa ông, để phát triển đối tượng tham gia BHYT hướng tới BHYT toàn dân, xin ông cho biết các đối tượng mà luật đã điều chỉnh thêm trong lần này? Những trường hợp bị tai nạn lao động được quỹ BHYT thanh toán như thế nào và phí chăm sóc sức khỏe ban đầu ra sao?

- Một số đối tượng mà trước đây Luật BHYT chưa điều chỉnh đến như người từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, đối tượng này trước đây theo Luật Người cao tuổi nếu đã được trợ cấp hàng tháng bởi một chính sách khác thì chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi (trong đó có việc cấp thẻ BHYT) thì không được hưởng, trong khi đó Luật BHXH không quy định cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho đối tượng này. Đối tượng thứ 2 là lao động nữ trong thời gian nghỉ chế độ thai sản: theo Luật BHYT trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi theo quy định của pháp luật về BHXH thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHYT nhưng vẫn được tính vào thời gian tham gia BHYT liên tục để hưởng chế độ BHYT. Tuy nhiên không quy định cơ quan nào đóng BHYT, trong Luật BHYT sửa đổi bổ sung cũng điều chỉnh thêm là cơ quan BHXH đóng BHYT cho đối tượng này. Đối tượng thứ 3 là trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa đến thời gian nhập học (thẻ BHYT có giá trị đến ngày 30-9 của năm đó): trước đây khi thẻ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp đến 72 tháng tuổi, khi thẻ hết hạn mà trẻ chưa đến tuổi vào lớp 1, nếu muốn tham gia BHYT thì phải mua thẻ theo hình thức tự nguyện. Ngoài 3 đối tượng nêu trên Luật BHYT lần này còn bổ sung thêm đối tượng là cư dân sống tại các xã đảo, huyện đảo và lực lượng vũ trang.

Từ 1-1-2015 các trường hợp tai nạn lao động được chi trả theo chế độ BHYT, bao gồm phạm vi được hưởng và mức đồng chi trả của đối tượng như các bệnh khác, nghĩa là được quỹ BHYT thanh toán chi phí y tế khi bị tai nạn lao động, số tiền đồng chi trả do doanh nghiệp, đơn vị thanh toán.

Cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp kinh phí từ quỹ KCB BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng do mình quản lý khi có đủ điều kiện như sau: Có ít nhất một người chuyên trách hoặc kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, có trình độ tối thiểu là trung cấp y; có phòng y tế thực hiện được việc sơ cấp cứu ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập hoặc làm việc tại đơn vị đó. Mức trích để lại cho cơ sở giáo dục quốc dân bằng 7% tổng thu quỹ BHYT tính trên tổng học sinh tham gia BHYT; cơ sở giáo dục mầm non bằng 5% tổng thu quỹ BHYT tính trên tổng số trẻ em dưới 6 tuổi đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non; đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mức để lại bằng 1% tổng số tiền đóng BHYT của cơ quan tổ chức doanh nghiệp đó.

- Xin cảm ơn ông!

THIÊN LÝ