TT.Thích Huệ Thông, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo: “Cần phân biệt tín ngưỡng và mê tín...”
Theo TT Thích Huệ Thông, Phật giáo phải đồng hành với dân tộc và biết quan tâm, giúp đỡ những người khó khăn thông qua việc làm từ thiện xã hội. Trong ảnh là những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tặng xe đạp trong Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tổ chức ở Bình Dương
- Thưa TT, có nhiều người còn đi chùa trong tâm thế mê tín, họ tin vào những điều rất thiếu cơ sở khoa học. TT có ý kiến gì về vấn đề này?
- Chúng ta cần biết rằng, Phật giáo không đi ngược lại với khoa học, tiến bộ. Phật giáo rất khoa học với những nhìn nhận, đánh giá về môi trường, về nhân cách đạo đức con người, về niềm tin chánh pháp... Trong Trung Bộ kinh và trong Duyên Khởi luận, Đức Phật đã nhiều lần lên tiếng phê phán những nghi lễ cổ hủ không mang lại sự giải thoát cho con người và chỉ trích việc lợi dụng nghi lễ làm công cụ để trục lợi trên sự mù quáng của tín đồ. Như vậy, vào thời Đức Phật tại thế, việc cúng tế trong Giáo hội hoàn toàn không hề có và lễ nghi Phật giáo vào thời Phật tại thế chẳng qua chỉ là cung nghinh, biểu hiện của sự tôn kính Đức Phật, kính trọng đối với các bậc tu hành đạo cao đức trọng trong Tăng đoàn, là biểu hiện văn hóa trong giao tiếp hàng ngày và trong các buổi lễ quy y, xuất gia nặng về tâm thái giác ngộ giải thoát dưới hình thức vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều người vẫn còn niềm tin mù quáng, sai lệch về số phận, về những nghi lễ Phật giáo... Đừng đi chùa với sự mê tín vì như thế là đã đi ngược lại giáo lý nhà Phật.
- Vậy vai trò của Phật giáo trong việc định hướng niềm tin chánh pháp của mọi người là gì, thưa TT?
- Những nhà hoằng pháp, những bậc trụ trì tại các tự viện có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng niềm tin nơi phật tử và người dân nói chung. Trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại khoa học kỹ thuật và văn minh vật chất, trước sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa, vàng thau lẫn lộn, Phật giáo luôn được xem là yếu tố quan trọng tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, Phật giáo không thể đánh mất vai trò chủ động của mình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bởi bản sắc văn hóa dân tộc chính là nền tảng căn bản của nền độc lập dân tộc. Chúng ta có nền tảng truyền thống thờ phụng ông bà tổ tiên từ xa xưa, là nền văn hóa tín ngưỡng dân gian, thêm vào đó là ảnh hưởng sâu đậm tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật. Đó là những điều hay lẽ phải chúng ta nên làm. Người theo đạo Phật cần giảng giải cho mọi người biết về những giáo lý chính thống của Đức Phật, khuyên người ta sống hòa ái, tốt đẹp với nhau...
- Vậy, những lễ hội Phật giáo nào là văn hóa, những gì là mê tín, thưa TT?
- Chúng ta có thể thấy, các lễ hội lớn của Phật giáo như Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu lan, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ vía Phật A Di Đà... đã trở thành các sự kiện quan trọng của Phật giáo. Những dịp này, không chỉ bà con phật tử mà hầu như hầu hết người dân xem là một trong những lễ hội và họ có thể tham dự. Những Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc, mừng ngày Phật đản sanh, ngày lễ Vu lan... các hội thảo khoa học chuyên đề quốc tế và trong nước... đều được tổ chức quy mô hoành tráng, trọng thể trang nghiêm, tạo ấn tượng tốt đẹp hân hoan trong lòng tăng, ni, quần chúng, phật tử. Mọi người có thể tham quan, hòa nhập vui chơi trong chuỗi ngày lễ hội. Đó là những lễ nghi mang tính văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, riêng biệt. Trong khi đó, một số nơi và một vài tổ chức, cá nhân “mượn danh, mạo danh” Phật giáo để làm những điều không lành mạnh như đồng bóng, xin quẻ... là không nên.
Nhân mùa Phật đản, mong rằng bà con đến chùa bằng niềm tin của trí tuệ. Đức Phật cũng thường khuyên dạy mọi người phải biết tự tin vào chính bản thân mình, không nên tin vào những điều vô lý, mê muội...
- Xin cảm ơn TT!
QUỲNH NHƯ (thực hiện)