Truyền thông tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên: Góp phần định hướng đi đúng cho học sinh
(BDO) Truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tuổi vị thành niên học sinh THCS và THPT là một trong những hoạt động được Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh rất quan tâm thực hiện. Trong thời gian qua, hội đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động ý nghĩa này và được học sinh các trường tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình…
Vấn đề học sinh quan tâm
Tham gia một buổi truyền thông, tư vấn chăm sóc SKSS cho học sinh trường THCS Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) mới thấy, các em rất quan tâm đến vấn đề này. Hậu quả mang thai tuổi vị thành niên và xâm hại tình dục tuổi vị thành niên là 2 chủ đề được các cán bộ Hội KHHGĐ tỉnh đưa ra để các em cùng trao đổi, tìm hiểu. Ở lứa tuổi học sinh THCS, các em có rất nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý nên những chủ đề mà cán bộ Hội KHHGĐ tỉnh trao đổi, cung cấp được các em đón nhận rất nhiệt tình. Các em được chia nhóm để cùng thảo luận về mỗi chủ đề đưa ra, trình bày ý kiến của các thành viên trong nhóm, sau đó cán bộ Hội KHHGĐ tỉnh mới nhận xét, chỉ ra những ý kiến đúng và bổ sung thêm kiến thức cho các em đối với những ý kiến còn thiếu sót hoặc chưa đúng. Ngoài 2 chủ đề trên, các em còn được bày tỏ thắc mắc về những thay đổi bên trong cơ thể mà các em đang gặp phải. Những câu hỏi, thắc mắc mà các em đưa ra đều được giải đáp, hướng dẫn đến nơi đến chốn, giúp các em có thêm nhiều kiến thức bổ ích và biết cách tự bảo vệ, chăm sóc chính mình.
Học sinh trường THCS Phú Mỹ bày tỏ ý kiến về SKSS mà các em quan tâm với cán bộ Hội KHHGĐ tỉnh
Tại trường THCS Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một), buổi truyền thông, tư vấn chăm sóc SKSS tuổi vị thành niên do Hội KHHGĐ tỉnh vừa phối hợp với nhà trường tổ chức vào đầu tháng 11 này cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo học sinh ở các khối lớp. Em Võ Triệu Vy, học sinh lớp 8.4 chia sẻ: “Được chọn làm đại diện của lớp tham gia chương trình này em thấy rất vui vì qua đây em được học hỏi thêm nhiều điều, bổ sung những kiến thức về SKSS mà lâu nay chưa hiểu hết”.
Định hướng đi đúng cho các em
Đến nay, chương trình này đã thực hiện 2 năm nay. Trong năm 2017, hội đã thực hiện tại 39 trường trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Hội KHHGĐ tỉnh sẽ phối hợp tổ chức hoạt động này tại 37 trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. Bà La Thị Hai, Phó Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh chia sẻ: “Những nội dung truyền thông rất cần thiết trong chăm sóc SKSS vị thành niên. Khi chúng tôi đến truyền thông, hầu hết các trường đều rất hoan nghênh bởi nội dung truyền thông sát với những điều mà tuổi vị thành niên cần. Khi truyền thông, việc tương tác với học sinh có ý nghĩa rất quan trọng, bởi từ đó các em mới nói lên những suy nghĩ, thắc mắc, những vấn đề mà các em muốn tìm hiểu về những thay đổi tâm sinh lý tuổi vị thành niên. Qua đó, chúng tôi sẽ giúp các em hiểu rõ được những thay đổi về tâm sinh lý của mình và định hướng được những cảm xúc về giới tính, giúp các em vượt qua được những diễn biến tâm sinh lý tuổi vị thành niên”.
Qua các buổi truyền thông ở các trường, đa số các em đều rất chú ý đến các chủ đề mà Hội KHHGĐ tỉnh đưa ra; trong đó, chủ đề được các em quan tâm nhiều nhất đó là tình bạn khác giới và tình yêu, xâm hại tình dục vị thành niên... Sau khi được Hội KHHGĐ tỉnh tư vấn, các em rất mạnh dạn đặt những câu hỏi về vấn đề tình dục, tình cảm tuổi học trò đúng hay sai, có nên hay không, làm thế nào để bảo vệ không bị xâm hại tình dục… Cô Huỳnh Thị Diễm Lệ, giáo viên Tổng phụ trách Đội trường THCS Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), cho biết vấn đề chăm sóc SKSS cho học sinh được nhà trường rất quan tâm. Nhà trường đã tổ chức rất nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm giúp các em hiểu rõ hơn các thay đổi về tâm sinh lý ở độ tuổi mới lớn. Là người theo sát các buổi truyền thông SKSS cho học sinh của trường, cô Lệ chia sẻ: “Qua các buổi truyền thông, các em đã hiểu rõ hơn những thay đổi của mình trong vấn đề SKSS. Từ những kiến thức đã được trang bị, các em cảm thấy tự tin hơn khi gặp phải những thay đổi liên quan đến SKSS và biết cách bảo vệ bản thân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại…”.
Không chỉ cung cấp kiến thức về SKSS tuổi vị thành niên, chương trình còn góp phần định hướng đi đúng cho các em, thế nên, chương trình này cần được tiếp tục duy trì, thực hiện thường xuyên hơn. “Không phải các em sẽ ứng dụng ngay những kiến thức mình được trang bị qua công tác truyền thông này, mà quan trọng đây là hành trang cho các em mang theo để bảo vệ bản thân mình khi gặp tình huống cần áp dụng những kiến thức mà các em đã biết…”, bà La Thị Hai chia sẻ.
HỒNG THUẬN