Truyền thông quốc tế đánh giá cao thành tựu kinh tế Việt Nam năm 2017
(BDO)
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Các phương tiện truyền thông quốc tế đã đăng tải các bài viết nhận định 2017 là năm ghi dấu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.
Phân tích các thành tựu kinh tế ở Việt Nam, tờ Asian Correspondent cho rằng Việt Nam không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, mà còn được xếp hạng thứ hai sau Ấn Độ trong danh sách các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Theo báo này, có nhiều yếu tố quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt so với các nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đó là chiến lược đa dạng hoá, kể cả đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp và đa phương hóa thị trường xuất khẩu; dân số Việt Nam tăng nhanh với nguồn nhân lực trẻ tài năng; vị trí địa lý của Việt Nam cho phép phát triển thương mại đường biển với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới; chi phí vận hành tương đối thấp và lao động giá rẻ. Vì thế, Việt Nam là đất nước rất hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, trang du lịch Mayo Advertiser cho rằng ngành du lịch là một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Theo Mayo Advertiser, với các điểm du lịch độc đáo như Vịnh Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng, Việt Nam là nơi hoàn hảo dành cho tuần trăng mật không thể nào quên.
Nhiều tờ báo uy tín nước ngoài cũng có bài viết về các vụ đại án tham nhũng của quan chức cấp cao ở Việt Nam. Hãng tin Bloomberg nhấn mạnh nạn tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự ổn định xã hội và Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng.
Tạp chí Forbes lưu ý rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tăng cường cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nhiều doanh nghiệp để họ không “phá hỏng phép lạ của kinh tế Việt Nam,” cũng như để cải thiện điều kiện hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tờ Asia Times đăng bài viết cho rằng vẫn tồn tại một trở ngại lớn cản đường phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo Asia Times, cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam đang phát triển chưa đầy đủ và chậm chạp. Để xây dựng các đường cao tốc mới, các tuyến đường sắt và sân bay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính kể từ năm 2030, Việt Nam cần có 480 tỷ USD.
Về khoản nợ công lớn, Chính phủ Việt Nam sẽ vấp phải rủi ro nếu vay vốn khổng lồ cho các mục đích này.
Hãng tin Bloomberg nhấn mạnh nền giáo dục đại học Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết. Giáo dục đại học vẫn nặng về lý thuyết, ít thực hành.
Tờ The Economist có bài viết với nội dung đáng lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng đối với Việt Nam do tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Tờ The Dilplomat cũng cảnh báo về tình trạng già hóa dân số.
Năm 2017 là năm rất thành công đối với Việt Nam. Theo Tổng cục thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 của Việt Nam ước tính tăng 6,81%, vượt các dự báo và kế hoạch đề ra, là mức cao nhất trong 10 năm qua.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế hàng đầu trên thế giới, trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sẽ phát triển ngành sản xuất và GDP của Việt Nam sẽ cao hơn mức trung bình ở châu Á./.
Theo TTXVN